Chị Nguyệt bước đi nhẹ nhàng dọc hành lang bệnh viện, mỗi bước đi dù chưa thể bình thường nhưng đầy tự tin. Mười ngón tay chị siết chặt tay chồng, như muốn giữ từng khoảnh khắc bình thường đang dần trở lại. Dìu vợ bước đi, anh Hậu không giấu nổi hạnh phúc sau hành trình dài chứng kiến vợ vật lộn với những cơn đau do khối u khổng lồ vùng tiểu khung, giờ đây chị đã hồi phục gần 90%.
Hành trình tìm hy vọng
4 năm trước, khi còn làm việc ở Hàn Quốc, chị Vũ Thị Nguyệt phát hiện những cơn đau nhẹ ở vùng mông bên trái. Khi kiểm tra, các bác sĩ nước bạn cho biết, đó chỉ là một khối u lành tính nên chị cũng không vội mà chờ về Việt Nam phẫu thuật. Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát, chuyến hồi hương năm ấy đã không thể thực hiện. Công việc lại bận rộn, khối u không gây ra cơn đau nào thêm nên chị Nguyệt không để ý.
Đến năm 2022, trở về Việt Nam, lúc này, khối u khá lớn nên chị Nguyệt đi kiểm tra, được chẩn đoán u xơ lành tính và khuyên phẫu thuật cắt bỏ, tránh khối u lớn ảnh hưởng các tạng trong cơ thể. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau phẫu thuật, khối u tái phát và tiến triển nhanh chóng, xâm lấn sâu vào các cơ quan lân cận. Trong suốt 2 năm điều trị tại Viện K, khối u của chị Nguyệt không ngừng phát triển, chèn ép vào bàng quang, hậu môn và các cơ quan nội tạng khác, gây ra những cơn đau khôn cùng. Mặc dù đã đi nhiều bệnh viện, nhưng tất cả đều từ chối phẫu thuật vì khối u quá lớn, việc loại bỏ nó vô cùng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nhìn những cơn đau của vợ, tôi rất đau đớn, gia đình đã đưa vợ tôi đến rất nhiều bệnh viện lớn nhưng tất cả đều từ chối phẫu thuật, chỉ tư vấn phác đồ chăm sóc giảm nhẹ để bớt đau đớn”, anh Đinh Hữu Hậu nhớ lại.
Khi hay tin Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội từng phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh phức tạp, anh Hậu đưa vợ lên đây với hy vọng tìm thêm cơ hội. Xét nghiệm giải phẫu bệnh khối u kết quả dương tính với Sarcoma cơ trơn, một loại ung thư mô mềm hiếm gặp. PGS Triệu Triều Dương, Giám đốc chuyên môn Ngoại khoa tại bệnh viện cho biết, thời điểm người bệnh nhập viện sức khỏe rất yếu, việc đi lại khó khăn, đại tiểu tiện không còn tự chủ. “Khối u của chị Nguyệt quá lớn, xâm lấn vào nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, việc phẫu thuật đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều chuyên khoa, nhiều kỹ thuật phức tạp. Ngoài ra, yếu tố quan trọng là phải có cơ sở vật chất hiện đại, điều này không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng được”, PGS Triệu Triều Dương cho biết. Mặc dù vậy, ông và các đồng nghiệp vẫn quyết định thực hiện phẫu thuật. “Dù biết sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng điều làm chúng tôi cảm phục chính là tinh thần chiến đấu với bệnh tật của người bệnh. Vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện ca mổ dù biết rất nhiều khó khăn”, PGS Dương chia sẻ.
Không từ bỏ
Trước thời điểm đại phẫu, nhiều cuộc hội chẩn diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong các lĩnh vực như Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại khoa, Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiết niệu, Ung bướu, Tiết niệu, Thẩm mỹ… PGS Triệu Triều Dương, người đứng đầu ca mổ chia sẻ: “Trong suốt nhiều năm hành nghề, đây là lần đầu tiên tôi gặp một ca bệnh phức tạp đến vậy, với khối u lớn xâm lấn nhiều tạng và di căn xa. Ông cũng cho biết, một trong những thách thức lớn mà các bác sĩ phải đối mặt là vấn đề che phủ khuyết hổng phần mềm sau khi cắt bỏ khối u. Đây là yếu tố cần sự tỉ mỉ, chính xác và kỹ thuật cao của bác sĩ tạo hình.
Cuộc đại phẫu được tiến hành với sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên gia từ nhiều chuyên khoa, nhằm cắt bỏ khối u và các tạng bị di căn, đồng thời ứng phó những tình huống bất ngờ có thể phát sinh. Bắt đầu bằng việc cắt bỏ tử cung, phần phụ cùng khối u tại túi cùng tử cung. Tiếp theo, cắt bán phần bàng quang bị xâm lấn và khâu tạo hình phục hồi bàng quang. Sau đó, phẫu thuật viên tiếp tục cắt đoạn sigma - trực tràng và thực hiện phẫu thuật tạo hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân, đồng thời cắt bán phần thận phải kèm khối u và loại bỏ túi mật có sỏi.
“Có những lúc đầy căng thẳng, khi khối u bít đặc tiểu khung, không thể nhìn thấy gì để cắt các tạng xâm lấn. Đặc biệt, khi bóc khối u ra khỏi cơ thể thì máu tràn ra ngoài, huyết áp về 0. Việc chảy máu trong quá trình mổ bóc khối u có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Mọi rủi ro đã được tính toán từ trước với quyết tâm giành giật sự sống cho người bệnh. Vì thế toàn bộ ekip sẵn sàng ứng phó mọi tình huống trong phẫu thuật, nhằm bảo đảm sự thành công cho ca mổ”, PGS Dương kể lại.
Sau phẫu thuật, bác sĩ đã tiến hành sử dụng mạc nối lớn để khôi phục phần khuyết hổng phía trên. Đối với phần khuyết hổng phía dưới, kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt cơ đùi đã được áp dụng. Phương pháp này được thực hiện bởi TS, bác sĩ Chế Đình Nghĩa, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật tạo hình. “Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều phương án để thực hiện nhằm bảo đảm rằng, chị Nguyệt có thể hồi phục và có một cuộc sống bình thường sau phẫu thuật”, TS Chế Đình Nghĩa chia sẻ.
Sau 12 giờ đồng hồ cân não trong phòng mổ, các bác sĩ bước ra và thở phào nhẹ nhõm bởi ca mổ vượt mọi kế hoạch tính toán của các bác sĩ và thành công ngoài mong đợi. Sau phẫu thuật, chị Nguyệt được chuyển sang phòng hồi sức. 5 ngày sau phẫu thuật, người bệnh ăn uống trở lại, tiêu hóa lưu thông, dần ổn định sức khỏe. Sau 2 tuần tập phục hồi chức năng, người bệnh có thể đi lại. “Tôi ăn uống ngon miệng, không còn đau đớn, tối ngủ cũng ngon hơn, tinh thần thoải mái”, chị Nguyệt chia sẻ.
Hồi sinh
Sau ca phẫu thuật định mệnh, chị Nguyệt không kìm được xúc động khi nắm chặt tay PGS Triệu Triều Dương: “Em cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn thầy, người đã cứu sống em, hồi sinh em một lần nữa”.
Những lời cảm ơn chân thành ấy đã nói lên tất cả những gì chị trải qua sau hành trình dài đấu tranh với bệnh tật. Chị Nguyệt đã bước qua cơn bĩ cực, từ một người sắp phải từ bỏ hy vọng đến nay đã có thể quay lại cuộc sống với một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần lạc quan.
PGS Triệu Triều Dương chia sẻ rằng, sau mỗi cuộc hội chẩn, đội ngũ y bác sĩ đều theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Mỗi tiến triển nhỏ của bệnh nhân đều được theo dõi tỉ mỉ, và khi hay tin ca mổ thành công, tất cả đều cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng. “Sự hồi phục của người bệnh chính là món quà ý nghĩa nhất đối với chúng tôi trước thềm năm mới”, PGS Dương xúc động nói, trong ánh mắt vẫn ngập tràn sự tự hào.
Ca mổ không chỉ là chiến thắng của y học, mà còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần của con người. Chị Nguyệt đã từng gần như tuyệt vọng. Tuy nhiên, nhờ vào trái tim kiên cường và niềm tin vững chắc, chị đã vượt qua tất cả. Hành trình của chị từ tuyệt vọng đến hy vọng là một phép màu, thể hiện sức mạnh phi thường của ý chí con người.
Sự thành công của ca phẫu thuật này cũng mang lại niềm tin cho những người đang chiến đấu với ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân mắc phải những căn bệnh hiếm gặp và phức tạp. Đây cũng là một dấu ấn cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong việc điều trị các bệnh ung thư, khẳng định tay nghề của các bác sĩ Việt Nam trong việc điều trị các ca bệnh khó, hiếm gặp.
Sarcoma là dạng ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến xương và các mô liên kết, chiếm ít hơn 1% trong tất cả các bệnh ung thư ở người lớn. Tên gọi sarcoma tùy thuộc vào mô xuất phát. Khi sarcoma cơ trơn phát triển ở các cơ quan như bụng hay tiểu khung thường không có triệu chứng nên khó phát hiện. Do đó, khi phát hiện thì khối u đã phát triển lớn và gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng, việc điều trị khó khăn. Sarcoma cơ trơn là loại ung thư tiến triển nhanh và hiện chưa xác định được nguyên nhân. Yếu tố liên quan có thể do tiếp xúc hóa chất lâu dài hoặc do đột biến gen.
TIỂU LINH