Loại pháo nào an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết 2024?

Vào thời điểm cuối năm, tình trạng pháo lậu, pháo tự chế diễn ra ngày càng phức tạp. Những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự. Do vậy, người dân càng phải cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn pháo đón Tết…

Loại pháo nào an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết 2024?
Năm 2023, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện, thu giữ hơn 40.000 kg pháo

Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến càng phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Vì vậy, người dân cần chọn lựa những loại pháo hoa an toàn cho dịp Tết, tránh những vụ việc đau lòng xảy ra do pháo lậu hay pháo tự chế.

NHỨC NHỐI PHÁO LẬU, PHÁO TỰ CHẾ

Theo Bộ Công an, tính riêng năm 2023, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000 kg pháo. Trong đó, nhiều vụ tai nạn từ mức độ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng do hành vi chế tạo pháo nổ đã xảy ra tại một số địa phương, để lại hậu quả đau lòng.

Lợi dụng sự thông thoáng trong giao dịch thương mại điện tử, các đối tượng đã đặt mua nguyên liệu, học cách pha chế thuốc nổ trên mạng để sản xuất pháo nổ tại nhà. Sau đó, để tiêu thụ số pháo nói trên, các đối tượng lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram hay các trang mạng bán hàng điện tử Shopee, Lazada… để quảng cáo buôn bán pháo. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.

Công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ nhiều trên mạng, người chơi thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng. Đa số người chế tạo pháo đều tiếp xúc gần trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào. Hậu quả các vụ nổ do pháo tự chế rất nghiêm trọng, nhẹ thì ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, nặng thì không giữ được tay chân, thương tật, mất thị lực, tàn phế suốt đời, thậm chí là tử vong.

Đơn cử, ngày 7/12, tại một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã xảy ra vụ nổ lớn khiến căn nhà cấp 4 bị sập một phần, 2 người tử vong và 1 người bị thương. Nguyên nhân vụ nổ được xác định là do pháo tự chế.

Loại pháo nào an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết 2024? 2
Hiện trường vụ nổ tại Ninh Bình

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ nổ là của vợ chồng anh Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1996) thuê lại của ông Trần Văn Chính (sinh năm 1987) để ở và kinh doanh đồ chơi trẻ em. Khai nhận tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Linh cho biết đã xem trên mạng xã hội Facebook cách thức chế tạo pháo nổ nên đặt mua 20 kg thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời.

Sau đó, anh Linh thuê chị Mai Thị Xang (sinh năm 1993) và chị Lương Thị Giang (sinh năm 1995) đến nhà làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo. Đến khoảng 17h, vụ nổ xảy ra khiến chị Xang và chị Giang tử vong, con trai chị Giang bị thương nhẹ.

Bên cạnh những nguy cơ thương vong do tự chế pháo nổ trái phép gây ra, tình trạng nhập lậu pháo từ nước ngoài rồi tuồn sâu vào nội địa để tiêu thụ cũng gia tăng.

Hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng là thời gian cao điểm các đối tượng tập trung vận chuyển pháo nổ. Pháo lậu được các đối tượng vận chuyển qua đường mòn lối mở tiểu ngạch, tập kết tại các tỉnh dọc biên giới phía Bắc, cửa khẩu một số tỉnh miền Trung giáp nước Lào, biên giới Tây Nam tiếp giáp Campuchia.

Pháo lậu được cất giấu dưới các hộc tự chế, dưới thùng hàng xe tải, xe container hoặc trà trộn vào hàng hóa cồng kềnh để qua các chốt kiểm soát, đi sâu vào địa điểm tập kết trong nội địa.

Theo cơ quan chức năng, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao cho nên nhiều đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

LOẠI PHÁO AN TOÀN CHO DỊP TẾT

Theo quy định tại nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, theo đó người dân cần phân biệt loại pháo nào được phép sử dụng, loại pháo nào bị nghiêm cấm.

Cụ thể, loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm) gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ như pháo bánh, pháo quả… Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Đối với các loại pháo trên, người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt. Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

Bên cạnh đó, loại pháo được phép sử dụng là pháo hoa. Đây là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng (đốt) phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Như vậy, theo quy định trên, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, gọi chung là pháo hoa không nổ. Tuy nhiên, việc mua pháo hoa không nổ phải được thực hiện tại nơi sản xuất, kinh doanh đã được nhà nước cấp phép, cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 là đơn vị duy nhất trên toàn quốc được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất và phân phối các sản phẩm pháo hoa. Để phục vụ nhu cầu sử dụng pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán của người dân, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 đã cho ra mắt thị trường một số loại pháo hoa không tiếng nổ. Tất cả những loại pháo hoa này đều được kiểm định và cấp phép.

Mọi thông tin về lô sản xuất, chủng loại, địa chỉ, hướng dẫn sử dụng đều được in rõ ràng trên bao bì của mỗi sản phẩm pháo hoa và đảm bảo về mặt pháp lý. Loại pháo hoa không tiếng nổ được bán với nhiều mẫu mã, đa dạng giá cả để người dân lựa chọn.

Loại pháo nào an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết 2024? 3
Bảng giá pháo hoa của Công ty TNHH MTV Hóa chất 21

Cụ thể, ống phun nước bạc ngoài trời có giá 25.000 đồng/ống. Ống phun nước bạc trong nhà được bán 26.000 đồng/ống và ống phun hoa lửa cầm tay giá từ 32.000 - 33.000 đồng/túi 5 ống.

Cây hoa lửa được bán 13.000 đồng/túi 10 cây. Cánh hoa xoay có giá 55.000 đồng/bộ. Thác nước bạc loại 2m với 450.000 đồng/dây. Đối với các loại pháo giàn phun hoa có giá tùy vào số lượng ống bao gồm loại 25 ống với 330.000 đồng/giàn, loại 36 ống với 438.000 đồng/giàn. Giàn phun viên loại 36 ống có giá 398.000 đồng/giàn và loại giàn phun viên đặc biệt 25 ống được bán 330.000 đồng/giàn.

Để tránh tình trạng người dân mua nhầm pháo nhập lậu, kém chất lượng, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 cũng khuyến cáo người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ các quy định về cách sử dụng pháo hoa nói chung. Khi đốt pháo hoa cần chọn những nơi an toàn, tránh xa các vùng có nguy cơ cháy nổ cao và gần các khu dân cư.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.