Viết tiếp câu chuyện lịch sử

Không đơn giản chỉ nói lời cảm ơn, sự thán phục, ngày càng nhiều bạn trẻ thể hiện lòng tri ân với thế hệ cha ông bằng những việc làm thiết thực có tính lan tỏa cao. Họ chọn viết tiếp câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc theo cách rất riêng.

Chuyện về hòa bình

Chương trình “Những bước chân Việt Nam” mùa đầu tiên với chủ đề “Đường đến hòa bình” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hội trường Thống Nhất. Khi đưa ra ý tưởng cách đây hơn một năm, biên tập viên Nguyễn Nhị Lan Nhi không dám tin chương trình mang yếu tố lịch sử do mình viết kịch bản, tổ chức sản xuất lại được cộng đồng quan tâm nhiều đến vậy. Ngay khi chương trình chưa đóng máy, nhiều đoạn video clip giới thiệu về các khách mời tham gia giao lưu đã được chia sẻ rộng rãi, đạt cả triệu lượt xem.

“Đường đến hòa bình” gồm 3 chương là “Những bước chân kiến tạo mở đường”, “Những bước chân trên đường sỏi đá” và “Hòa bình và thịnh vượng” với sự tham gia của rất nhiều nhân chứng lịch sử đặc biệt. Hơn 300 nhân sự trong ê-kíp và khoảng 700 khách mời có mặt tại Hội trường Thống Nhất hôm ấy nhiều lần rơi nước mắt xen lẫn tự hào khi nghe từng nhân chứng lịch sử kể lại câu chuyện mà họ cùng đồng đội đã vượt qua. Sự dũng cảm, hy sinh lặng thầm của thế hệ đi trước bỗng hiện diện rõ qua từng chi tiết, khoảnh khắc đáng nhớ của chương trình.

Mất khoảng 3 tháng triển khai các khâu trước ngày chương trình diễn ra, Lan Nhi tập trung phần lớn thời gian cho việc kết nối nhân chứng lịch sử, tìm tòi tư liệu nhằm chọn ra các chi tiết ấn tượng nhất. Hàng trăm cuộc gọi, những cuộc trò chuyện, gặp gỡ không chỉ giúp cô gái trẻ có thêm chất liệu quý cho kịch bản giao lưu mà còn mang về nhiều bài học ý nghĩa. “Trước kia, khi làm các chương trình khác, tôi thường chỉ phụ trách một mảng nội dung rất nhỏ. Đến với dự án lần này, phần việc phức tạp hơn nhưng nhờ vậy mà vốn hiểu biết của tôi dần rộng mở vì phải học, đọc rất nhiều. Tôi cùng ê-kíp quá may mắn khi mời được các nhân chứng quan trọng để có dịp nghe họ kể lại câu chuyện thời chiến - thời bình thay vì phụ thuộc nhiều vào phóng sự chèn hay lời bình”, Lan Nhi chia sẻ.

Lan tỏa dự án cộng đồng

Những ngày cuối tháng 4, lịch làm việc của bạn trẻ Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bận rộn hơn bao giờ hết. Lượng khách đến bảo tàng tăng đột biến, đa phần là đoàn số lượng lớn khiến thời gian hướng dẫn tham quan, tiếp đón kéo dài hơn. Lịch mở cửa của bảo tàng từ 7 đến 18 giờ nhưng từ đầu tháng đến nay, ngày nào Nghĩa cũng kết thúc công việc vào khoảng 21 giờ vì nhiều khách muốn nghe kể chuyện lịch sử. Ngoài giờ đến giảng đường, Nghĩa còn đảm nhận vai trò thuyết minh viên đón các đoàn khách lớn tham gia tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”.

Dịp lễ 30/4 năm nay, Nghĩa đã bổ sung thêm điểm tham quan mới cho khách đăng ký tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Ngoài 3 địa điểm quen thuộc là Hộp thư bí mật và hầm nổi Biệt động Sài Gòn - Gia Định, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định và Hầm trú ém quân, chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn - Gia Định, sắp tới đây, khách tham quan sẽ được biết thêm về Gara Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Nghĩa cho hay: “Từ đầu tháng 3, tôi đã bắt đầu tổng hợp lại các thông tin về nhân vật lịch sử, hiện vật, không gian trưng bày, các trận đánh và chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Sau khi rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những nội dung phù hợp, tôi thiết kế thành bộ hồ sơ thuyết minh cho toàn bộ nhân viên, những người phụ trách bảo tàng và cả hướng dẫn viên du lịch để họ nắm rõ hơn, cung cấp thông tin chính xác nhất có thể cho khách ghé thăm”.

Ngoài việc tập trung nâng cấp các không gian trưng bày cho hệ thống di tích do chính gia đình mình phục dựng, đầu tư, quản lý, Nghĩa còn tích cực tham gia nhiều hoạt động cộng đồng liên quan đến lịch sử, văn hóa. Hiện anh đang phối hợp với nhóm sinh viên của Trường đại học FPT chuẩn bị dữ liệu cho “Máu đỏ da vàng”, một dự án tập trung vào việc tìm hiểu những câu chuyện lịch sử trong các thời kỳ kháng chiến qua góc nhìn của người trẻ. Trong dự án này, Nghĩa xung phong kết nối nhân vật lịch sử và tìm kiếm, bổ sung các dữ liệu, thông tin, hình ảnh cần thiết để các thành viên còn lại tổng hợp, thiết kế những sản phẩm mang tính cộng đồng.

Dược sĩ 103 tuổi

Dược sĩ 103 tuổi

Cụ bà người Nhật Bản Kesa Hatamoto (trong ảnh), được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là “Dược sĩ cao tuổi nhất thế giới“, vẫn đang làm việc đều đặn tại hiệu thuốc của mình ở quận Meguro, Tokyo.
Tàu hỏa hạng sang được ưa chuộng

Tàu hỏa hạng sang được ưa chuộng

Ngành đường sắt ngày càng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khi liên tục cho ra mắt nhiều đoàn tàu “sang, xịn”. Không chỉ mang đến trải nghiệm cao cấp cho hành khách, mô hình này còn góp phần xúc tiến quá trình kết nối di sản vùng miền, đẩy mạnh sự phát triển của ngành du lịch tại các địa phương.
 Hiệu ứng tốt từ “Nghị định giao thông”

Hiệu ứng tốt từ “Nghị định giao thông”

Sau gần hai tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tai nạn giao thông đường bộ đã giảm cả ba tiêu chí so cùng kỳ năm trước. Nghị định đã tác động mạnh mẽ đến ý thức người dân, góp phần hình thành văn hóa khi tham gia giao thông trong cộng đồng.
Giữ trật tự vỉa hè dịp Tết

Giữ trật tự vỉa hè dịp Tết

Cận Tết Nguyên đán, vỉa hè Hà Nội lại rơi vào tình trạng bị lấn chiếm bởi các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trên những tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, hay Kim Mã…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.