Chăm nom vẻ đẹp nước nhà trên Cửu đỉnh

Di sản tư liệu được UNESCO công nhận này thường xuyên được nhân viên làm vệ sinh sạch sẽ, thay nước mới. Họ làm việc bằng cái tâm của mình, đóng góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ tài sản quý giá mà cha ông chúng ta đã để lại.

Bộ “Địa dư chí” bằng ngôn ngữ tạo hình ở thế kỷ 19

13 giờ 9 phút ngày 8/5, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (Cửu đỉnh) chính thức được ghi tên vào Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Nhiều người Huế cũng như người dân sinh sống, làm việc ở cố đô không giấu được niềm vui sướng. Mọi người đăng tải lên trang cá nhân cũng như chuyền cho nhau bản tin về việc Huế có thêm di sản thế giới. Là một người dân xứ Huế, anh Xuân Đạt, 32 tuổi, phấn khởi: “Tôi hay vào Hoàng cung chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cửu đỉnh. Nghe tin vui, tôi hết sức mừng rỡ và tràn đầy niềm tự hào về mảnh đất mình được sinh ra”.

Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, những bản đúc nổi trên

9 đỉnh đồng gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được Vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm, mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á.

Nói thêm về các bản đúc nổi trên bảo vật này, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin: “Trên thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh mang tính biểu tượng cao về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ 19, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta hồi ấy”.

Ông Hải phân tích, nghệ nhân khi thể hiện những hình trên Cửu đỉnh đã thoát ra ngoài cái nhìn cố định, không lệ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà đã sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bầu của đỉnh. Theo ông Hải, có thể xem các hình tượng trên Cửu đỉnh là một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ 19, tuy không nhiều nhưng điển hình và bao hàm rất đầy đủ.

Chăm nom vẻ đẹp nước nhà trên Cửu đỉnh ảnh 1

Du khách chiêm ngưỡng những tác phẩm trên Cửu đỉnh.

Trông nom bảo vật quốc gia, di sản thế giới

Hằng ngày, có nhiều du khách đến trước sân Thế Miếu để tham quan, chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia này. Nằm gần Hiển Lâm Các, Cao đỉnh được kê ở giữa. Đây là chiếc đỉnh duy nhất được nhích về trước so 8 đỉnh còn lại với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều nhà Nguyễn. Hàng bên trái Cao đỉnh có Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh. Bên phải Cao đỉnh có Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh. Bên cạnh mỗi chiếc đỉnh đều có bảng bằng tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu thông tin liên quan đến “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại. Du khách có thể quét mã QR để dễ dàng tiếp cận thông tin về hình ảnh ở mỗi đỉnh đồng.

Để diện mạo Cửu đỉnh và những bản đúc nổi trên bảo vật được sạch sẽ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giao Tổ Thế Miếu làm vệ sinh định kỳ nhằm làm sạch rác bẩn bên trong các đỉnh, rồi thay nước sạch. Về công tác ở tổ 3 năm nay, anh Phan Hồng Hải, Phó trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ kiêm phụ trách địa bàn Tổ Thế Miếu. Anh luôn quán triệt đến từng thành viên trong tổ làm việc với tinh thần cẩn thận nhất có thể, tránh tạo vết xước trên bề mặt hiện vật, giữ nguyên hiện trạng.

Mỗi lần làm công việc này, 6 người trong tổ lần lượt hút nước trong các đỉnh, rồi làm sạch chất bẩn bên trong. Mọi người nhẹ nhàng làm sạch bề mặt bên trong và bên ngoài Cửu đỉnh. “Do làm từ vật liệu đồng nên vệ sinh Cửu đỉnh không được dùng xà phòng bởi có tính axit, anh em chủ yếu làm thủ công. Mọi người dùng khăn mềm làm sạch phía ngoài - nơi có những bản đúc nổi, dùng chiếc bót đánh phía trong lòng đỉnh”, anh Hải nói. Mặt bên ngoài Cửu đỉnh thường xuyên được làm sạch bề mặt và xóa các vết bẩn. Tổ còn phân công trực bảo vệ hiện vật, thường xuyên nhắc nhở du khách không được khắc, viết, vẽ bậy lên Cửu đỉnh. Các thành viên còn thực hiện nhiệm vụ đón và phục vụ khách tham quan, các đoàn lãnh đạo cấp cao của Trung ương, các đoàn ngoại giao quốc tế, bảo đảm phòng cháy chữa cháy trên địa bàn phụ trách...

“Tất cả anh em trong tổ đều xem công việc ở Tổ Thế Miếu như công việc nhà mình. Không chỉ vệ sinh Cửu đỉnh, mà còn nhiều việc khác như vệ sinh trong cung điện, trên án bàn thờ các vua, anh em đều làm tất cả vì cái tâm”, anh Hải tâm sự.

Hay tin những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh được vinh danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, mọi người trong tổ cảm thấy hân hoan niềm vui sướng. “Chúng tôi thấy rất vui mừng, tự hào cho đất nước nói chung và cho tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Tôi cùng vui với anh em trong tổ trong việc góp một phần nhỏ bé gìn giữ tài sản quý giá mà cha ông chúng ta đã để lại”, anh Hải chia sẻ thêm và không quên nói sắp tới anh em lại chuẩn bị làm vệ sinh Cửu đỉnh...

Trên các bảng thông tin đặt ở mỗi đỉnh đồng có nêu:

CAO ĐỈNH: Hàng trên có con rồng, cây mít, cây lúa tẻ, cây hành, hoa tử vi, chim trĩ. Hàng giữa có Cao đỉnh, Biển Đông, kênh Vĩnh Tế, mặt trời, sông Bến Nghé, núi Thiên Tôn. Hàng dưới có cây gỗ lim, con cọp, thuyền buồm, súng đại bác, cây trầm hương, con ba ba.

NHÂN ĐỈNH: Hàng trên có cây ngô đồng, kỳ nam, cây lúa nếp, cây bòn bon, hoa sen, chim công. Hàng giữa có Nhân đỉnh, biển Nam, sông Phổ Lợi, mặt trăng, sông Hương, núi Ngự Bình. Hàng dưới có cá voi, cây hẹ, thuyền lầu, súng đại bác đặt trên xe, con báo, con đồi mồi.

CHƯƠNG ĐỈNH: Hàng trên có hoa nhài, cây xoài, cây đậu khấu, cây đậu xanh, cây kiệu, con gà. Hàng giữa có Chương đỉnh, núi Kim Phụng, sông Lợi Nông, sao Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, sông Gianh, biển Tây. Hàng dưới có cây gỗ huỷnh, con cá sấu, thuyền chiến, súng hỏa mai, con tê giác, rùa thiêng.

ANH ĐỈNH: Hàng trên có con ve, cây tô hợp, cây nghệ, cây cau, chim hạc, hoa hồng. Hàng giữa có Anh đỉnh, dải Ngân hà, sông Mã, sao Bắc Đẩu, sông Lô, núi Hồng. Hàng dưới có con ngựa, cây dâu, lá cờ, đạn bươm bướm, con trăn, cây gỗ kiền.

NGHỊ ĐỈNH: Hàng trên có hoa mai, cây hoàng đàn, cây quế, cây đậu ván, hoa hải đường, con đuông dừa. Hàng giữa có Nghị đỉnh, cửa ải Quảng Bình, sông Cửu An, sao Nam Đẩu, sông Bạch Đằng, cửa biển Thuận An. Hàng dưới có cá lóc, cây rau cải, cây giáo dài, thuyền chiến trên biển, chim uyên ương, con voi.

THUẦN ĐỈNH: Hàng trên có cây đào, cây sa nhân, cây hương nhu, cây đậu nành, hoa quỳ, chim vàng anh. Hàng giữa có Thuần đỉnh, núi Ba Vì, sông Vĩnh Định, gió, sông Thạch Hãn, cửa biển Cần Giờ. Hàng dưới có cá rô, con ngao, giá gác đao, thuyền đua, cây gỗ chò, bò tót.

TUYÊN ĐỈNH: Hàng trên có chim yểng, tổ yến, quả nhãn, hoa sói trắng, cây lạc, cây trắc bá diệp. Hàng giữa có Tuyên đỉnh, núi Duệ, sông Hồng, mây, núi Đại Lãnh, sông Lam. Hàng dưới có con sam, cây gừng, cái nỏ, thuyền có 12 tay chèo, con lợn, con vích.

DỤ ĐỈNH: Hàng trên có chim vẹt, cây lê, cây trầu, cây đậu trắng, hoa dâm bụt, cây thông. Hàng giữa có Dụ đỉnh, cửa ải Hải Vân, sông Vĩnh Điện, sấm, sông Vệ, cửa biển Đà Nẵng. Hàng dưới có cá mú, cây tía tô, thuyền sơn đen, cái phạng, con sò, con dê.

HUYỀN ĐỈNH: Hàng trên có cây ngọc lan, cây vải, cây tỏi, cây sâm ta, cây bông, chim phù lão. Hàng giữa có Huyền đỉnh, cầu vồng, sông Hậu, sông Tiền, mưa, đèo Ngang, sông Thao. Hàng dưới có con cà cuống, xe, con mãng xà, ống phun lửa, cây sơn, con mang.

Tin liên quan

Những sắc màu yêu thương vùng cao

Những sắc màu yêu thương vùng cao

Triển lãm “Câu chuyện vùng cao” của võ sư, họa sĩ Hướng Tâm Đường và họa sĩ Trần Nguyên Thế diễn ra từ ngày 26/5 đến 4/6 tại tầng 1, Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội, là sự gặp gỡ của những cung bậc cảm xúc về văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc.
Tây Bắc thu nhỏ giữa lòng Điện Biên

Tây Bắc thu nhỏ giữa lòng Điện Biên

Với địa hình đa dạng với ba phần tư là núi đá, có nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, huyện vùng cao Tủa Chùa được đánh giá là địa phương có tiềm năng du lịch lớn của tỉnh Điện Biên.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.