Nhìn chung, mùa đông vẫn ấm lên do ảnh hưởng khí hậu toàn cầu...
Năm 2023, tình trạng ấm lên của trái đất đã khiến mọi người có một mùa hè nóng kỷ lục. Thế nhưng vào mùa đông, nhiều nơi trên thế giới đang phải vật lộn với cái lạnh cực độ. Ở các nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc... đang bị hoành hành từ những cơn bão tuyết và có thể đe dọa tính mạng con người. Khi sức nóng chưa từng có nhường chỗ cho cái lạnh, một số người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu đã bị cường điệu hóa.
Nhưng các nhà khoa học đã khẳng định: những đợt lạnh cực độ vẫn sẽ xảy ra ngay cả khi mùa đông đến, nhưng nhìn chung nó đang trở nên ấm hơn.
Ngay cả khi Mỹ đang phải vật lộn để đối phó với những đợt tuyết dày dữ dội như hiện nay, thì trên thực tế về lâu dài, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã dẫn đến xu hướng tuyết biến mất ở Bắc bán cầu một cách đáng báo động.
Thời tiết của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi dòng tia. Khi dòng tia di chuyển về phía nam, nó có thể đẩy không khí lạnh Bắc Cực vào Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Khi nó rút về phía bắc, không khí ấm áp cũng sẽ bị đẩy đi xa hơn về phía bắc. Một đợt áp suất cao ở châu Âu vào tháng 1 năm ngoái đã khiến nhiệt độ mùa đông ấm lên kỷ lục.
Ngoài ra còn có một yếu tố khác cần xem xét: xoáy cực, một vành đai gió mạnh nằm ở cực cao trong tầng bình lưu – trên mức của dòng tia – xung quanh Bắc Cực.
Xoáy cực giống như một con quay. Khi ở trạng thái bình thường, nó quay rất nhanh, giữ không khí lạnh buốt ở vùng Bắc Cực. Nhưng nó có thể bị gián đoạn và chệch hướng, bị kéo căng và biến dạng, thoát ra không khí lạnh và ảnh hưởng đến đường đi của dòng tia.
Hiện tượng xoáy cực chệch hướng đã xảy ra vào năm 2021, mang theo cái lạnh dữ dội đến Texas, khiến gần 250 người thiệt mạng và khiến gần như cả bang này bị mất điện.
Đây là nơi xuất hiện mối liên hệ với biến đổi khí hậu. Một số nhà khoa học tin rằng sự gián đoạn của xoáy cực và những thay đổi đối với dòng phản lực đang được thúc đẩy bởi sự nóng lên ở Bắc Cực, nơi đang nóng lên nhanh hơn khoảng 4 lần so với phần còn lại của hành tinh.
Lập luận này đã thu hút được sự chú ý kể từ bài báo năm 2012 của Jennifer Francis, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Massachusetts, Mỹ. Người ta phát hiện ra rằng khi Bắc Cực ấm lên, sự khác biệt giữa nhiệt độ lạnh ở phía bắc và nhiệt độ ấm áp ở phía nam đang khiến dòng tia yếu hơn, gợn sóng hơn, đẩy không khí rất lạnh về phía nam.
Vào năm 2021, Judah Cohen, một nhà khí hậu học tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã công bố nghiên cứu cho thấy tình trạng nóng lên nhanh chóng ở các vùng Bắc Cực, kết hợp với lượng tuyết rơi dày ở Siberia, đã khiến dòng tia trở nên gợn sóng hơn và đánh bật dòng xoáy cực.
Cohen nói với truyền thông rằng: “Chúng tôi thấy rằng mùa đông nhìn chung đang trở nên lạnh hơn. Nhưng ý tưởng cho rằng biến đổi khí hậu sẽ có nghĩa là ít biến động hơn giữa các mức nhiệt độ khắc nghiệt là sự đơn giản hóa quá mức”.
Tuy nhiên, một số người khác cho biết mối liên hệ giữa sự nóng lên ở Bắc Cực và những đợt lạnh giá vẫn chưa rõ ràng.
James Screen, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Exeter, cho biết, mặc dù đã có một số mùa đông ở Bắc bán cầu rất lạnh trùng với mùa đông ấm lên ở Bắc Cực, nhưng việc tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng mùa đông lạnh hơn vẫn rất khó khăn.
Ông chia sẻ thêm những đợt lạnh cực độ có thể được giải thích là do sự biến đổi khí hậu bình thường. Nói cách khác, ngay cả khi mùa đông ấm hơn, những đợt lạnh cực độ vẫn sẽ xảy ra.
Biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của các cơn bão mùa đông, vì bầu không khí ấm hơn có thể giữ nhiều hơi ẩm hơn, dẫn đến mưa hoặc tuyết dữ dội hơn.
Khi các nhà khoa học nỗ lực làm sáng tỏ mối liên hệ phức tạp giữa biến đổi khí hậu và thời tiết giá lạnh dữ dội, tất cả đều đồng ý về một điều “xu hướng hiện tại là mùa đông đang ấm hơn”.
Bảo Anh