Dùng quy hoạch điện để điều tra pin mặt trời

Theo Bộ Công Thương, trong các vụ điều tra chống trợ cấp (CTC) với Việt Nam, nguyên đơn thường viện dẫn các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành năm năm, mười năm với tầm nhìn 20 năm và một số quyết định, nghị định liên quan để cáo buộc các chương trình trợ cấp cho ngành sản xuất.

Đơn cử các vụ việc như: Túi nhựa PE năm 2009 dẫn chiếu chiến lược và quy hoạch phát triển ngành nhựa; ống thép hàn carbon năm 2011 dẫn chiếu quy hoạch phát triển ngành thép; tôm năm 2023 dẫn chiếu chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và chương trình phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Hay gần nhất là vụ pin mặt trời cách đây vài tháng, qua dẫn chiếu Quy hoạch điện VIII và các Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Ba tháng trước, DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá và CTC với pin mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra chương trình trợ cấp xuyên quốc gia, sau khi quy định mới về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có hiệu lực vào tháng 4 năm nay.

Dùng quy hoạch điện để điều tra pin mặt trời
Quy hoạch điện VIII, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh bị viện dẫn để phục vụ điều tra chống trợ cấp với pin mặt trời. Ảnh: Hoàng Anh

Cụ thể, DOC điều tra hai chương trình “cho vay ưu đãi” và “cung cấp nguyên liệu đầu vào (polysilicon) thấp hơn giá thông thường” từ Chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp pin mặt trời. Đáng chú ý, DOC đã lựa chọn hai doanh nghiệp (có trụ sở tại Bắc Giang) làm bị đơn bắt buộc.

Nguyên đơn của vụ việc là Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Hoa Kỳ. DOC cho biết, thời kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đề xuất là năm 2023, điều tra thiệt hại trong thời gian 2021-2023.

Theo số liệu hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2023 là 4,2 tỷ USD. Theo đó, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin mặt trời của Hoa Kỳ (cao nhất trong số những nước cáo buộc).

Đáng chú ý, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cao nhất trong 4 nước bị cáo buộc.

Hiện tại, Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan và hai doanh nghiệp bị đơn để xử lý vụ việc.

Các nguyên đơn cáo buộc rằng, thông qua các chiến lược hay quy hoạch ngành (chỉ mang tính định hướng, không phải văn bản quy phạm pháp luật), Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, nguyên đơn cũng cáo buộc, Chính phủ can thiệp, chỉ đạo hoạt động sản xuất (về sản phẩm, công suất, sản lượng) của doanh nghiệp ngành thông qua các chiến lược hay quy hoạch liên quan.

Từ đây, Bộ Công thương đã kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế/giảm thiểu số lượng các cáo buộc, vụ việc CTC của nước ngoài với Việt Nam.

Đáng chú ý có nội dung: trong quá trình ban hành các kế hoạch/quy hoạch ngành cần cẩn thận và lưu ý tới rủi ro các văn bản có thể trở thành nguồn chứng cứ khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong tương lai – gây bất bất lợi cho doanh nghiệp và ngành nếu bị điều tra, áp thuế.

Trong quá trình xây dựng các văn bản mới, cần tránh dùng các thuật ngữ mang tính “chỉ đạo”, “giao”, thay vào đó là “định hướng”, “dự báo”, tránh liệt kê dàn trải các chính sách ưu đãi trong quy định mà nên tập trung vào các giải pháp thực sự cần thiết, Bộ Công Thương khuyến nghị.

Thống kê cho thấy, tính chất và phạm vi điều tra CTC của nước ngoài ngày càng phức tạp và bao gồm nhiều nội dung chưa từng có tiền lệ.

Năm 2020, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra vấn đề định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ vụ việc CTC với lốp xe, Ấn Độ tự khởi xướng điều tra CTC đối với ống đồng. Còn năm nay, hồi tháng 5 vừa qua lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ CTC với pin mặt trời từ Việt Nam.

Được biết, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng và tập trung ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như pin mặt trời 4,2 tỷ USD, tôm 800 triệu USD đến thấp như túi dệt 60 triệu USD, đĩa giấy 9 triệu USD.

Tin liên quan

Bổ sung quy hoạch thêm 2 tuyến cao tốc mới

Bổ sung quy hoạch thêm 2 tuyến cao tốc mới

Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó bổ sung quy hoạch mới 2 tuyến cao tốc là Cà Mau - Đất Mũi và Quảng Ngãi - Kon Tum.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.