Khai thác hiệu quả giá trị “đô thị sông nước”

Những giá trị và sự đóng góp của di sản công nghiệp cảng thị cho sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn nếu biết khai thác đúng cách và có hiệu quả. Hiện nay trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình kiến trúc cổ xưa đã bị phá hủy. Điều đó thể hiện sự hiểu biết giá trị di sản văn hóa đô thị còn hạn chế, kéo theo cách ứng xử đối với những chứng tích lịch sử cận – hiện đại một cách khá cực đoan, một thái độ hiện tại “phủ nhận quá khứ” nhất là về văn hóa.

Giá trị hình thành từ quá khứ

Từ nửa sau thế kỷ 19 những cơ sở vật chất của nền công nghiệp bắt đầu có mặt ở Việt Nam. Sau hơn một thế kỷ phát triển, dù quy mô không lớn nhưng “văn minh công nghiệp” đã để lại một hệ thống di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội. Trong đó nhiều công trình gắn bó với đời sống của cộng đồng dân cư, thành “thương hiệu” của một số thành phố, là đặc trưng cho một giai đoạn phát triển của địa phương hoặc quốc gia. Mặc dù những công trình này hình thành trong thời kỳ thuộc địa nhưng hiện nay là tài nguyên văn hóa có giá trị để khai thác du lịch, làm cơ sở kiến thức để hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của thế giới.

Trên thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ “hiện đại hóa” từ đầu thế kỷ 21, nhiều di sản công nghiệp ở các đô thị đã bị phá hủy. Nguyên nhân đầu tiên là do hạn chế về nhận thức, về quan điểm đánh giá giá trị di sản đô thị, di sản công nghiệp. Thứ hai là do việc cải thiện và bảo vệ môi trường nên cần thiết phải di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi đô thị, việc di dời đồng thời cũng dẫn đến sự hủy hoại những tài sản vật chất của ngành công nghiệp. Thứ ba là diện tích các cơ sở công nghiệp khá lớn, vị trí ngày càng trở nên “đắc địa”, trở thành “đối tượng” mà những nhà đầu tư bất động sản rất quan tâm. Vì vậy, các cơ sở công nghiệp cũng như nhiều di sản ở đô thị trở nên yếu thế giữa việc “bảo tồn” hay “phát triển”.

Là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, hiện nay các di sản đô thị của thành phố Hồ Chí Minh đang chịu nhiều thách thức do quá trình hiện đại hóa - đô thị hóa, việc thực thi bảo tồn di sản văn hóa còn nhiều bất cập… Trong đó các di sản công nghiệp thể hiện rõ nhất “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” – một trong những vấn đề quan trọng hiện nay của nhiều đô thị ở Việt Nam.

Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là một “đô thị sông nước”, đó là cảnh quan tự nhiên và là đường thông thương quan trọng. Do đó thành phố có hệ thống bến cảng phát triển góp phần tạo nên sự sầm uất và văn minh của đô thị này từ khi khởi lập. Những con sông, kênh, rạch trong thành phố liên kết với nhau để giao thương với toàn vùng. Từ nửa sau thế kỷ 19, khi kỹ thuật đóng tàu và sửa chữa tàu của nước Pháp được ứng dụng tại công xưởng Ba Son, việc thông thương ra biển Đông và thế giới của thành phố Sài Gòn được mở rộng và tăng cường mạnh mẽ.

Hệ thống bến cảng đã thể hiện tính chất năng động và hội nhập từ rất sớm của đô thị Sài Gòn xưa. Tuy nhiên trong quá trình hiện đại hóa hiện nay, di tích những bến cảng đã không được bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị như di sản một ngành công nghiệp và kinh tế đặc trưng của lịch sử thành phố. Những giá trị và sự đóng góp của di sản công nghiệp cảng thị cho sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn nếu biết khai thác đúng cách và có hiệu quả. Hiện nay trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình kiến trúc cổ xưa đã bị phá hủy. Điều đó thể hiện sự hiểu biết giá trị di sản văn hóa đô thị còn hạn chế, kéo theo cách ứng xử đối với những chứng tích lịch sử cận – hiện đại một cách khá cực đoan, một thái độ hiện tại “phủ nhận quá khứ” nhất là về văn hóa.

Khai thác hiệu quả giá trị “đô thị sông nước”Nguyễn Thị Hậu

Bản sắc riêng

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn không phải là “vùng đất mới” như quan niệm phổ biến. Vùng đất này đã trải qua thời kỳ tiền sử (thuộc văn hóa khảo cổ lưu vực sông Đồng Nai) có niên đại từ khoảng 3.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay. Tiếp đó là thời kỳ văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7; thời kỳ “hậu Óc Eo” kéo dài đến thế kỷ 17… Từ thế kỷ 18 đô thị cổ Sài Gòn – Chợ Lớn hình thành và phát triển liên tục đến nay. Trong các giai đoạn lịch sử, yếu tố sông nước luôn có vai trò quan trọng đối với vùng đất này.

Từ nửa sau thế kỷ 19 với sự hoạch định và xây dựng của người Pháp, thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn được xây dựng trên cơ sở một trung tâm hành chính – quân sự - trung tâm giao lưu buôn bán mà đầu mối là cảng Sài Gòn gắn liền với trung tâm sản xuất hàng hóa thủ công nghiệp và vựa lúa đồng bằng Nam Bộ - loại hàng hóa quan trọng bậc nhất. Chừng đó yếu tố cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài, đủ làm cho Sài Gòn – Chợ Lớn thành một đô thị đúng nghĩa về cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa và sự hình thành một tầng lớp thị dân. Khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở… xuất hiện, đường bộ dần thay thế vai trò giao thông của kênh rạch trong nội thành, cùng với hệ thống vỉa hè, cây xanh, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường của thành phố.

Từ quá trình lịch sử, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hình thành 4 đặc trưng cơ bản – những ADN tạo nên bản sắc riêng mà nếu thiếu hay mất đi thì thành phố sẽ không còn bản sắc riêng. Những đặc trưng đó là: là một đô thị sông nước, là đô thị trung tâm kinh tế, là đô thị đa dạng văn hóa, là đô thị sớm được quy hoạch theo kiểu phương Tây.

Tính chất sông nước không chỉ là yếu tố tự nhiên, mà còn tạo ra đặc trưng của nền kinh tế đô thị Sài Gòn: buôn bán bằng đường thủy, hình thành hệ thống bến cảng, kho bãi, nhà máy, công xưởng ven sông. Đồng thời tăng cường tính chất cởi mở “hướng biển” giao thương với nhiều nơi khác, thúc đẩy kinh tế phát triển và góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa thành phố. Từ “đặc trưng sông nước” đô thị Sài Gòn có cảnh quan “trên bến dưới thuyền” và di tích công nghiệp là hệ thống cảng. Hệ thống cảng thị này nằm dọc theo sông Sài Gòn ra cửa biển Cần Giờ và rạch Bến Nghé đi vào Chợ Lớn về đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi đầu cho hệ thống cảng thị là một di tích quan trọng: “Xưởng thủy” được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Ánh lập Thành Gia Định (1790), sau này chính là công xưởng Ba Son nổi tiếng. Đây là di tích công nghiệp nổi tiếng nhất ở TP. Hồ Chí Minh, do có quá trình phát triển lâu dài và vai trò quan trọng trong hoạt động công nghiệp của thành phố. Đó chính là giá trị lịch sử của di tích này. Sự “biến mất” của nó đã gây ra nhiều tiếc nuối cho người Sài Gòn, đồng thời là một bài học đau xót của bảo tồn di sản đô thị ở TP. Hồ Chí Minh, bởi vì di tích Ba Son còn có nhiều giá trị đặc biệt khác.

Giá trị văn hóa – xã hội: Khu vực Ba Son - đường Tôn Đức Thắng - Thảo cầm viên là một trong những cảnh quan đô thị cổ xưa và đẹp nhất Sài Gòn. Di tích Ba Son nằm trong “vùng lõi” di sản đô thị, vì vậy cần phải bảo tồn các di sản đô thị theo phương pháp khoa học và đầu tư đúng hướng. Ba Son có khả năng trở thành một trung tâm văn hóa mới kết hợp hài hòa giữa công trình cũ và mới, vừa gìn giữ bảo tồn những giá trị lịch sử vừa tạo ra không gian hiện đại cho tất cả mọi người. Thế giới có rất nhiều ví dụ về giữ gìn và khai thác di sản lịch sử, phần nhiều là công trình công nghiệp, cầu cảng, kho bãi, được giữ lại để ghi nhớ quá trình phát triển của đô thị ấy.

Giá trị kinh tế: Vị trí cảnh quan khu vực Ba Son đối với TP. Hồ Chí Minh tương tự như nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng có khu vực cảng và công xưởng ven sông, biển. Quá trình phát triển các thành phố cũng là quá trình chuyển hóa chức năng khu vực công nghiệp ven sông, biển. Di sản công nghiệp - văn hóa Ba Son mất đi thì chính quyền và cộng đồng dân cư thành phố cũng mất nguồn lợi lâu dài từ các hoạt động kinh tế - văn hóa trong khu vực nếu được “tái sử dụng” với chức năng mới như nhiều trường hợp trên thế giới. Nền kinh tế di sản không thể không góp phần tích cực cho TP. Hồ Chí Minh “phát triển bền vững”.

Khai thác hiệu quả giá trị “đô thị sông nước” 1Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chu Hoàn

Từ đầu thế kỷ 20 thương cảng Sài Gòn nhanh chóng phát triển và nổi tiếng nhờ việc xuất khẩu lúa gạo và nông sản của Nam kỳ. Cảng Sài Gòn bao gồm một cảng biển và một cảng sông. Các công trình thương cảng bao gồm: các điểm neo đậu tàu, các bến bãi, xưởng sửa đóng tàu, kho hàng, các kho nhiên liệu… trải dài từ khu vực sông Sài Gòn – rạch bến Nghé vào Chợ Lớn và từ bến Nhà Rồng ra phía quận 4, Nhà Bè…

Đặc biệt là giang cảng ở Sài Gòn – Chợ Lớn (Port Fluvial de Saigon – Cholon) trải dài trên 26,5km, trên các con rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, rạch Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh Đôi và những con kênh nối. Đây là khu vực dày đặc các nhà máy lúa gạo và lưu lượng thuyền bè rất lớn phục vụ cho ngành công nghiệp địa phương. Các cảng sông không có các công trình cầu cảng công cộng, nhưng lại có các cơ sở của tư nhân có máy móc băng chuyền vận chuyển lúa gạo, vận chuyển vào Chợ Lớn. Từ khu vực Chợ Lớn lúa gạo được xay xát đóng bao và vận chuyển ra cảng biển để xuất khẩu. Dọc theo kênh Bến Nghé và khu vực cảng sông có nhiều xưởng sửa chữa và đóng tàu gỗ. Quy hoạch cảng Sài Gòn bao gồm các khu văn phòng, kỹ thuật, khu dự trữ nhiên liệu, các khu kho hàng từ nông sản đến các tài nguyên khác đến từ mọi miền đất nước.

Khai mở giá trị lịch sử, văn hóa và đô thị sông nước

Phần lớn đô thị ở Nam bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông thành “đô thị sông nước”. Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông Sài Gòn. Trước nay sông Sài Gòn thường được biết qua đoạn qua trung tâm làm nên một “Sài Gòn đẹp lắm”. Do đó, sông Sài Gòn – rạch Bến Nghé được coi là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa của thành phố.

Quá trình đô thị hóa đã buộc di dời các cơ sở công nghiệp ra khu vực khác đồng thời tạo ra một nguồn vốn “bất động sản” vô cùng to lớn và quý giá. Không gian hệ thống cảng Sài Gòn không chỉ là đất đai mà còn là di tích lịch sử - văn hóa, vì vậy “nguồn vốn” này cần thiết phải được sử dụng một cách có hiệu quả nhất cho cộng đồng, cho sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh.

Quy hoạch tốt đôi bờ sông có được từ hệ thống cảng thị/thương cảng Sài Gòn xưa trở thành không gian công cộng: Nơi lưu giữ, bảo tồn một vài công trình xưa mang dấu ấn lịch sử của những bến, cảng nổi tiếng một thời; xây dựng công viên, khu dịch vụ vui chơi giải trí, không gian nghệ thuật đương đại (trưng bày các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt), không gian lễ hội... Công trình được ưu tiên bảo tồn là những bến cảng, cầu tàu như “chứng nhân” lịch sử thành phố: quá trình mở rộng, nhu cầu giao thông của dân cư, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật và kiến trúc... Những bến cảng, cầu tàu quan trọng có thể trở thành biểu tượng của thành phố, vì thể hiện đầy đủ nhất đặc trưng và lịch sử của thành phố. Đó cũng là việc tiếp tục khai thác “lợi nhuận” như khi nơi này còn là những cảng thị lớn, góp phần nâng cao giá trị của cảnh quan nhân văn từ cảnh quan tự nhiên.

Lịch sử phát triển của Sài Gòn – TP.HCM đã gắn liền với hệ thống sông rạch và cảng thị, tạo nên nền kinh tế năng động và hội nhập, văn hóa lối sống thành phố này có tính chất khai mở, phóng khoáng nhưng luôn gắn bó đồng bằng sông Cửu Long giàu có nông sản và miền Đông Nam bộ là một trung tâm công nghiệp lớn… Đây là những bản sắc riêng có và ưu thế nổi bật, rất đặc trưng để nhận diện TP. Hồ Chí Minh trong “thế giới phẳng” hiện nay.

Tin liên quan

Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?

Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?

Tình hình kinh doanh bết bát, vay nợ gấp 15 vốn chủ sở hữu… là những khó khăn hiện hữu của CTCP Sông Đà 1.01. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, đây cũng là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án tọa lạc tại vị trí “vàng” của Thủ đô, lượng hàng tồn kho đang ở mức “khủng”.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.