Trong bức tranh tài chính quý 4/2023 của các doanh nghiệp niêm yết, rất nhiều đơn vị báo lãi cao kỷ lục nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp trên sàn đạt được tăng trưởng là nhờ các khoản thu nhập khác ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, chủ yếu từ các khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, hay được cơ cấu lại khoản nợ từ ngân hàng… thay vì hoạt động kinh doanh chính.
NỖ LỰC “BÁN CON” ĐỂ BÙ LỖ
Theo báo cáo tài chính quý 4/2023 mới công bố, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) gây bất ngờ với khoản lãi sau thuế hơn 1.642 tỷ đồng, tăng gấp 12,9 lần so với cùng kỳ, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý 4/2020 của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khoản lãi đột biến của Novaland chủ yếu đến từ hoạt động tài chính thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, doanh thu thuần tập đoàn trong quý 4/2023 ghi nhận mức giảm 1,6 lần so với cùng kỳ, đạt 2.027 tỷ đồng. Khấu trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh gần gấp đôi, chỉ ở mức 554,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính lại đạt hơn 1.825 tỷ đồng, đây là con số chênh lệch giữa giá trị chuyển nhượng và giá trị ghi sổ của tài sản thuần, từ việc chuyển nhượng công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn với giá trị chuyển nhượng 3.043 tỷ đồng; mang lại mức lợi nhuận thuần hơn 1.482 tỷ đồng cho công ty.
Mức lợi nhuận đột biến trong quý 4/2023 giúp Novaland có lãi 684,7 tỷ đồng cho cả năm 2023, đồng thời được đánh giá là “lội ngược dòng” ngoạn mục do trước đó đã ghi nhận mức lỗ 957,5 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng là một trong những doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng mạnh trong quý 4/2023 nhờ doanh thu tài chính tăng vọt gấp 25,7 lần so với cùng kỳ, lên mức 421,4 tỷ đồng. Trong đó, khoản lãi đến từ việc chuyển nhượng công ty con trị giá 415 tỷ đồng.
Được biết, vào tháng 11/2023 vừa qua, Bất động sản Phát Đạt đã công bố việc chuyển nhượng toàn bộ 99,8 triệu cổ phần, tương đương 99,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Do đó, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 282,5 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2023, tăng mạnh so với mức lỗ ròng 229,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Một trường hợp khác là Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã chứng khoán: VIC) khi báo lãi sau thuế quý 4/2023 tăng 4,5% so với cùng kỳ, lên mức 494,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận sau thuế của Vingroup tăng trưởng trong quý 4/2023 nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,9 lần đạt 5.630 tỷ đồng.
Trong đó phần lớn là khoản lãi từ các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con chiếm 3.869 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 161.634 tỷ đồng, tăng 59% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.051 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
LIÊN TỤC THANH LÝ TÀI SẢN
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) là một trong những ví dụ điển hình khi ghi nhận lãi cao kỷ lục trong quý 4/2023 nhờ thanh lý tài sản.
Cụ thể, trong kỳ kinh doanh cuối của năm 2023, lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 217,2 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với quý 4/2022. Nhưng doanh thu tài chính bất ngờ tăng vọt gấp 3,6 lần, lên mức 294,9 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu hoạt động tài chính là lãi từ việc thanh lý tài sản với 240,2 tỷ đồng.
Thực tế trong năm qua, bầu Đức đã liên tiếp “sang tay” tài sản nhằm tái cấu trúc và dự kiến sạch nợ trong vài năm tới. Mới đây nhất vào tháng 12/2023, Hội đồng quản trị công ty đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần, tương đương 99% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu năm 2016.
Trước đó, trong quý 3/2023, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai và thu về 180 tỷ đồng.
Kết quả, Hoàng Anh Gia Lai báo lãi sau thuế quý 4/2023 đạt 1.107 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2023, tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tăng 35,6% lên 6.932 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.817 tỷ đồng, tăng 61,6% so với năm trước.
Ở lĩnh vực vận tải biển, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán: VOS) cũng ghi nhận lãi đậm trong quý 4/2023 từ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến gấp 140,6 lần, lên mức 116,7 tỷ đồng.
Vosco cho biết trong quý 4/2023, công ty có lãi từ tái cơ cấu là 84 tỷ đồng và lãi từ bán tàu Neptune Star gần 60 tỷ đồng nên ghi nhận lợi nhuận khác đột biến.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 909,8 tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 51,5 tỷ đồng, giảm 42,5% so với quý 4/2022.
Sau cùng, công Vosco vẫn báo lãi ròng 104,5 tỷ đồng, cao gấp 5,8 lần cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
LÃI ĐẬM NHỜ CƠ CẤU NỢ
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng tiền bị siết chặt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư có hiệu lực đến hết 30/6/2024.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn thu về lãi đậm trong quý 4/2023 nhờ được cơ cấu nợ.
Cụ thể, trong quý vừa qua, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: MVN) báo cáo tình hình kinh doanh với lãi ròng cao kỷ lục. Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ khoản thu nhập khác.
Theo đó, trong quý 4/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.395 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 506,3 tỷ đồng, thấp hơn 30,4% so với mức lãi gộp 727,1 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Đáng chú ý, nhờ có khoản lãi khác lên đến 271,2 tỷ đồng do công ty được xoá nợ và cơ cấu nợ với ngân hàng nên ghi nhận lãi ròng tăng đột biến 418,5 tỷ đồng, cao hơn 142,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán: DHB) ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 153,5 tỷ đồng trong quý 4/2023. Nhưng nhờ khoản lợi nhuận khác đạt 1.802 tỷ đồng nên công ty báo lãi sau thuế gấp 19,3 lần quý cùng kỳ, đạt 1.649 tỷ đồng.
Theo lý giải của Đạm Hà Bắc, đề án tái cơ cấu các khoản vay của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chính thức được Chính phủ phê duyệt với một số nội dung cơ bản gồm: điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay tại ngân hàng về mức 8,55% kể từ 1/1/2022, xóa nợ tính lãi trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả phát sinh chưa trả đến thời điểm 31/12/2022, kéo dài thời gian vay vốn thêm 8 năm (từ 1/10/2023 đến 30/9/2031), dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ ngày 22/12/2023.
Sau khi đề án được phê duyệt, tổng số tiền được hạch toán vào mục thu nhập khác của công ty là 1.802 tỷ đồng giúp hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh và tiếp tục có lãi trong quý 4 và cả năm 2023.
Ngoài việc thanh lý tài sản, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) cũng được miễn giảm lãi vay 1.425 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Cụ thể, vào tháng 12/2023, Hoàng Anh Gia Lai cho biết Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, công ty con của tập đoàn đã thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng để tất toán các khoản vay từ tháng 8 và tháng 9/2014 cho Eximbank. Số tiền trên bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần nợ lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng.
Đồng thời Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết thêm, theo thông báo miễn giảm nợ lãi từ Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản (Eximbank AMC), tổng số tiền lãi của các khoản vay Chăn nuôi Gia Lai được miễn giảm là gần 1.425 tỷ đồng, bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi.
Điều này cũng góp phần khiến lợi nhuận sau thuế quý 4 và cả năm 2023 của doanh nghiệp cao đột biến so với cùng kỳ.
Có thể thấy, khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản, chuyển nhượng cổ phần, cơ cấu nợ… có thể giúp doanh nghiệp lãi kỷ lục, tuy nhiên đây là những khoản thu nhập không bền vững và chỉ là sự “cứu cánh” nhất thời trong bối cảnh kinh doanh gặp khó. Nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mới tạo thu nhập bền vững cho doanh nghiệp trong thời gian dài.
Quốc Hưng