Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về việc thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận...
Xây dựng đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Ảnh minh họa
Cụ thể, tại Công văn số 1753/VPCP-CN ngày 17/3/2023, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa bổ sung đầy đủ hồ sơ, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật; khẳng định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đã đủ điều kiện, cơ sở pháp lý để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hay chưa.
Đồng thời, phân tích kỹ các phương án hướng tuyến, kể cả phương án làm hầm để so sánh, lựa chọn phương án tối ưu, hạn chế tối đa chuyển đổi đất rừng.
Dự án được đầu tư sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cam Ranh đến huyện Khánh Sơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Cùng với đối, tuyến đường sẽ kết nối liên vùng với 2 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của 3 tỉnh. Bên cạnh đó, hình thành trục giao thông theo hướng Bắc – Nam, nối Tỉnh lộ 9 với đường Sông Cầu – Yang Bay (đường tỉnh ĐT 654C) ra Quốc lộ 27C, tuyến đường nối Nha Trang với Đà Lạt.
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 56,9km; quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 9m, phần mặt đường xe chạy 6m, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV miền núi. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án liên kết vùng là 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương (tỉnh Khánh Hòa) cam kết bố trí thực hiện dự án khoảng 930 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Xây dựng vừa chỉ ra một loạt bất cập liên quan đến dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Theo đó, Bộ Xây dựng nêu rõ, dự kiến tiến độ thi công xây dựng từ quý 1/2024 và hoàn thành năm 2027, thời gian thi công khoảng hơn 3 năm là dài. Bộ đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu, tính toán để rút ngắn thời gian, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Văn bản của Bộ Xây dựng cho thấy: “Thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa làm rõ về phạm vi GPMB, phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, diện tích rừng cần chuyển đổi. Đề nghị làm rõ hơn về nội dung này và làm rõ phương án trồng rừng thay thế…
Trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thuyết minh, làm rõ cơ sở tính toán đối với diện tích đất, khối lượng nhà, tài sản trên đất, đơn giá, mức chi phí áp dụng và các chế độ chính sách có liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, tái định cư.
Đề nghị chủ đầu tư làm rõ cơ sở xác định diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án, loại tài sản trên đất, bổ sung căn cứ, thuyết minh tính toán theo từng loại đất, tài sản trên đất tại các khu vực, địa phương thực hiện dự án phù hợp với thời điểm tính toán, quy định pháp luật về đất đai và các pháp luật có liên quan.
Đề cập tới chi phí dự phòng, chi phí đầu tư, chi phí thiết bị và khối lượng công tác xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Việc tách riêng chi phí dự phòng của cả dự án và chi phí dự phòng cho công tác bồi thường, GPMB, tái định cư là chưa phù hợp với quy định.
Bộ cũng, đề nghị rà soát, hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thiết kế sơ bộ của dự án, bổ sung, làm rõ, đảm bảo theo đúng nội dung, quy mô đầu tư của dự án. Đồng thời, chủ đầu tư phải rà soát tính toán theo thiết kế sơ bộ, đảm bảo phù hợp với nội dung, quy mô, nhu cầu đầu tư của dự án, tránh trùng lặp chi phí tư vấn và chi phí khác.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, rà soát, hoàn thiện sơ bộ tổng mức đầu tư dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ báo cáo nghiên cứu.