Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất do bão số 3

Hoàn lưu bão số 3 đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Con số thương vong của khách hàng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dự kiến sẽ còn tăng. Đây là tổn thất không thể bù đắp của khách hàng, đồng thời cũng là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm không muốn...

Tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Trong công điện, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Tài chính kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.

Trước khi có công điện của Thủ tướng, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.

Theo đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.

Tính đến chiều muộn 10/9, hiện đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có ghi nhận về các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh miền Bắc gây ra. Cập nhật con số tổng hợp tại 6 doanh nghiệp trên có 15 vụ, 15 người thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.

Cụ thể, tại AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão số 3 gây ra, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng.

Sau khi xác nhận bước đầu, AIA Việt Nam chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này và đang nỗ lực liên hệ với thân nhân khách hàng để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Tại Bảo hiểm Daiichi, với thông tin thu thập được về danh sách nạn nhân, công ty xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng. Daiichi cũng đang tích cực theo dõi tình hình và thu thập thông tin về các nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tại Bảo hiểm Sunlife cũng ghi nhận 1 vụ do bão số 3 gây ra, với số tiền ước tính chi trả khoảng 260 triệu đồng. Tại Bảo hiểm Generali cũng ghi nhận 1 vụ do bão số 3 với số tiền ước tính chi trả khoảng 20 triệu đồng.

Tại Bảo hiểm Cathay cũng ghi nhận 1 vụ do bão số 3 với số tiền ước tính chi trả khoảng 30 triệu đồng; tuy nhiên, đây mới là số tiền công ty hỗ trợ ban đầu khi nghe tin khách hàng nằm viện, nên số tiền chi trả cụ thể tùy thuộc vào hồ sơ khách hàng nộp liên quan đến chi phí.

Tại Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã ghi nhận 1 vụ do lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây ra, với số tiền ước tính chi trả khoảng 210 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm khác như Manulife, Prudential, Chubb, Shin han, Phú Hưng, MAP, FWD, FWDA, MB Ageas, Hanwha, Fubon cũng đã rà soát, song chưa ghi nhận khách hàng nào thông báo bị thiệt hại từ các sự kiện trên.

Cũng trong chiều ngày 10/9/2024, theo báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, các doanh nghiệp đã tiếp nhận được 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Theo đó, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ, PJICO 107 vụ.

Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại chưa ước tính được cụ thể giá trị thiệt hại; đồng thời tiếp tục theo cập nhật về số vụ tổn thất của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng, gây lũ, lụt, sạt lở trên diện rộng tại nhiều địa phương phía Bắc.

Tin liên quan

Bộ Công Thương: Dồn lực cho sửa chữa hệ thống, khôi phục cung cấp điện

Bộ Công Thương: Dồn lực cho sửa chữa hệ thống, khôi phục cung cấp điện

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ, NSMO và toàn ngành điện đang tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng trong vùng bị ảnh hưởng.
Sơn La sau lũ quét

Sơn La sau lũ quét

Do bão số 3, nhiều địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện mưa lớn diện rộng, kéo dài liên tục, gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đá, gây thiệt hại nặng nề. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, cơ sở dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung các giải pháp ứng phó.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.