Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển...

Sáng ngày 11/1/2024 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết vào thời điểm đầu năm 2023, nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. Và thực tế đã chứng minh các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị.

Song, từ những khó khăn trong bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực khi tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%.

Bên cạnh đó là phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, sự phối hợp nhịp nhàng và đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Theo đánh giá, thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

"Những kết quả có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc chiến lược và tác động lâu dài này đã tạo nên môi trường chiến lược, vị thế chiến lược và thời cơ chiến lược mới rất to lớn, thuận lợi cho tăng cường cường an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sang đến năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý. Trong đó, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.

Báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch.

Địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc. Hội nghị WEF Davos 2024 sẽ diễn ra vài ngày tới đây cũng đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin”, cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương.

Thêm vào đó, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.

Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới
Toàn cảnh Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 lần thứ 16

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, trên đà thành công của năm 2023, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2024, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và sẽ phối hợp với các bộ, ngành sẽ tập trung vào các trọng tâm.

Thứ nhất, tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.

Thứ hai, ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.

Thứ ba, phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời.

Bà Nguyễn Minh Hằng cũng đề nghị, diễn đàn cùng thảo luận ba nhóm vấn đề: Làm rõ kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2024. Dự báo “điểm đáy của suy giảm toàn cầu”, thời điểm “đảo chiều” chính sách tiền tệ, lãi suất của các nền kinh tế lớn.

Đánh giá tác động đối với kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xác định các điểm thuận và không thuận, các cơ hội gì cần được tranh thủ để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng,… Tập trung nhận diện các cơ hội mới để Việt Nam bứt tốc, tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xác định những cơ chế, chính sách trước mắt và dài hạn cần thúc đẩy ở các cấp, các ngành; làm rõ ưu tiên, lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, các dự án cụ thể, các biện pháp thực tiễn từ phía doanh nghiệp để tận dụng tốt và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng nguồn nhân lực...

Hàng nghìn tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu bị 7 thương nhân kinh doanh chiếm dụng, sử dụng sai mục đích

Hàng nghìn tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu bị 7 thương nhân kinh doanh chiếm dụng, sử dụng sai mục đích

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ có 07/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với số tiền là 7.927 tỷ đồng...

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.