Kinh phí thực hiện kiểm kê đất đai năm 2024 được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.
Theo đó, nội dung kiểm kê đất đai năm 2024 của từng đơn vị hành chính các cấp. Cụ thể, diện tích các loại đất theo quy định và đối tượng đang quản lý, sử dụng đất quy định tại Điều 6, Điều 7 của Luật Đất đai năm 2024. Tình hình quản lý, sử dụng đất sân golf; cảng hàng không, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác.
Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải đánh giá được thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất; tình hình biến động đất đai trong 5 năm qua của từng địa phương và cả nước; nhất là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất; làm rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại; đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thời điểm triển khai kiểm kê đất đai năm 2024 được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2024 được tính đến hết ngày 31/12/2024.
Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2024 được quy định theo các cấp. UBND cấp tỉnh quyết định thời gian hoàn thành, giao nộp kết quả kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện; cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Sau đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoàn thành và gửi kết quả cho UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3/2025 để tổng hợp, báo cáo; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6 năm 2025.
Chỉ thị nêu rõ, sẽ tổng kết, công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2024 hoàn thành trước 30/9/2025.
Kinh phí thực hiện kiểm kê đất đai năm 2024 được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định, trong đó, ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí đối với các nhiệm vụ do các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện; ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí đối với các nhiệm vụ do các cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
Được biết, mục đích kiểm kê đất đai năm 2024 nhằm lượng hóa thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế - xã hội và cả nước, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; cung cấp chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Đồng thời, phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, các nhu cầu khác của Nhà nước, của xã hội, làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh và của các cấp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất.
Về quy định đối tượng đang quản lý, sử dụng đất tại Điều 6, Điều 7 Luật Đất đai 2024 như sau:
Điều 6. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất
1. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; người đứng đầu của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình. 2
. Chủ tịch UBND cấp xã đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho UBND cấp xã để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở UBND, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang và công trình công cộng khác của xã, phường, thị trấn; đất tôn giáo, đất tín ngưỡng chưa giao quản lý, sử dụng. 3
. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra.
4. Người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đối với việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
5. Cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với việc sử dụng đất của mình.
6. Người có chung quyền sử dụng đất hoặc người đại diện cho nhóm người có chung quyền sử dụng đất đối với việc sử dụng đất đó.
Điều 7. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao quản lý 1. Người đại diện của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức trong nước được giao quản lý công trình công cộng và hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức trong nước được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;
c) Tổ chức trong nước được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
3. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa giao cho đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quản lý.
4. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.
Lý Anh