Với việc Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thống nhất đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt điện, Thủ đô hứa hẹn được “phủ” 100% xe buýt điện từ sau năm 2040.
Trên cơ sở thống nhất, HĐND đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng xe buýt điện, năng lượng xanh phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiên vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức về sản xuất, nhập khẩu khai thác phương tiện giao thông hiệu suất cao.
Tháng 6 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND Thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh với nhiều nội dung đáng chú ý.
Theo đó, Đề án xác định 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt chạy điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030 gồm: 100% buýt điện; 70% buýt điện và 30% buýt LNG/CNG; 50% buýt điện và 50% buýt LNG/CNG.
Sở Giao thông vận tải đề xuất lựa chọn thực hiện theo kịch bản 3 (50/50) và khi điều kiện cho phép phấn đấu theo kịch bản 2 (70:30), và sau năm 2040 thì thực hiện kịch bản 1, tức phủ kín 100% là xe buýt điện, năng lượng xanh.
Đề xuất này, dựa trên tính toán cân đối theo mức ngân sách mà Hà Nội phải bổ sung tương ứng mỗi kịch bản.
Việc thực hiện theo mục tiêu kịch bản 1 (đến năm 2035 toàn bộ 100% xe buýt điện) là mong muốn chung hướng tới của Thành phố. Tuy nhiên với thực trạng hiện nay thì việc đáp ứng đủ 3 điều kiện chính cơ bản (nguồn lực; cung cấp phương tiện xe buýt điện các chủng loại khác nhau; nguồn điện và trạm sạc) để thực hiện được kịch bản này là rất khó khăn, Đề án nêu rõ.
Ở kịch bản lựa chọn, để triển khai kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần khoảng 32 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2035.
Hiện nay, mỗi năm Hà Nội đang phải dành khoảng 2.300 tỷ đồng tiền ngân sách để trợ giá cho xe buýt.
UBND TP. Hà Nội cho biết, đây là một trong các giải pháp để thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030 được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh những hiệu quả tích cực mang lại như góp phần giảm ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường sống, giảm phát thải khí CO2 (khoảng 170.480 tấn CO2/năm khi sử dụng xe buýt điện thay vì bus diesel như hiện nay), việc chuyển đổi phương tiện đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đây là cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác đặt ra với Hà Nội là xử lý hệ thống pin thay ra sau khi hết thời gian sử dụng.
Liên quan đến nguồn lực thực hiện, Hà Nội xác định huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân trong đầu tư, phát triển hạ tầng và phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, ngân sách Thành phố tiếp tục bố trí, sử dụng kinh phí trợ giá cho hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ưu tiên cho xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh, cũng như hỗ trợ một phần chi phí lãi vay đầu tư phương tiện, hạ tầng.
Ngoài ra, một phương án được tính đến là khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải và các đơn vị xã hội hóa đầu tư phương tiện, pin thay thế và lãi vay; đầu tư hạ tầng (trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu (CNG/LNG), trạm biến áp, hệ thống điều khiển, hệ thống cung cấp điện tại depot).
CNG (Compressed Natural Gas) là một loại khí thiên nhiên có thành phần chính là khí methane - CH4 (chiếm 85-95%). CNG được khai thác từ các mỏ khí thiên nhiên hoặc từ khí đồng hành trong các mỏ dầu.
Khí thiên nhiên nén CNG là loại nhiên liệu sạch và có tính ứng dụng rất cao trong đời sống. Rất nhiều dòng xe ô tô truyền thống được sản xuất để sử dụng nhiên liệu CNG kết hợp với các loại nhiên liệu truyền thống như xăng và diesel. Không chỉ góp phần giảm lượng khí thải độc hại, khí thiên nhiên nén CNG còn giúp tiết kiệm đến 40% chi phí nhiên liệu so với xăng và dầu diesel. Hiện nay, trên thế giới lượng xe sử dụng khí CNG có mức tăng trưởng ổn định trung bình 30%/năm.
Theo thống kê, kể từ năm 2011, đã có hơn 14,8 triệu xe ô tô trên thế giới chuyển sang chạy bằng khí thiên nhiên nén CNG (riêng châu Á đạt hơn 5 triệu xe).
Giá xe buýt điện xuất xứ Trung Quốc hiện nay được đánh giá rẻ nhất với giá mua khoảng 7 tỷ đồng/xe buýt trung bình (dung lượng pin 255kW có thể chạy 230-250km/xe/1 lần sạc điện) và đối với xe buýt điện sức chứa lớn do Vinfast lắp ráp có giá khoảng 7,4 tỷ đồng.
Theo đó, giá xe buýt điện cao gấp 4 lần so với xe buýt trung bình và gấp 3,2 lần so với xe buýt lớn đang được sử dụng; cao gấp 2,3 lần xe buýt CNG trung bình và 3,2 lần xe buýt CNG nhỏ được sử dụng; Giá xe buýt CNG nhỏ hiện cao hơn 2,5 lần xe buýt diezel và giá buýt CNG trung bình hiện cao hơn 1,8 lần xe buýt diezel trung bình.
Giá thành xây dựng hệ thống trạm biến áp, trạm sạc phục vụ hoạt động cho 100 xe buýt điện hiện nay là khoảng 87 tỷ đồng/100 xe (chưa gồm chi phí thuê đất, giao đất). Giá thành xây dựng trạm nạp khí, bể chứa khí phục vụ hoạt động cho 100 xe buýt khí hiện khoảng 32 tỷ đồng/100 xe (chưa gồm chi phí thuê đất, giao đất).
Nguyễn Cảnh