Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới cho toàn Vùng.
Nằm trong chuỗi các dự án quan trọng, trọng điểm về giao thông, “siêu dự án” đang thu hút nhiều sự quan tâm là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vừa chính thức được khởi công ngày 25/6/2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm cầu huyện Hoài Đức (TP.Hà Nội).
“Siêu dự án” với 3 cơ chế đặc thù tạo thuận lợi triển khai
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, có chiều dài toàn tuyến là 112,8 km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5 km; Hưng Yên là 20,3 km; Bắc Ninh là 21,2 km. Điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP), chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Quy mô tuyến đường hoàn chỉnh dự kiến gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên cùng các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.
Nhằm tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù.
Thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Trung ương giao cho các tỉnh, thành; các tỉnh, thành giao cho các huyện, thị làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Sự phân cấp này tạo cơ hội, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng với sự vào cuộc tích cực của cấp cơ sở, các quận, huyện, xã, phường.
Thứ hai, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương cùng nguồn vốn hợp pháp khác.
Thứ ba, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.
Thông tin hướng tuyến và phạm vi Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Sau 1 năm 9 ngày từ khi có chủ trương đầu tư, Dự án đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra trước ngày 30/6/2023.
Để có đủ điều kiện khởi công dự án này, các cấp, các ngành, các địa phương được giao là cơ quan chủ quản đã phải triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: Từ công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán đến lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng…, trong đó có việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và phân cấp thực hiện.
"Việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Dự kiến, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Đòn bẩy cho phát triển Hà Nội và các địa phương lân cận thời gian tới
Phát biểu tại Lễ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và các địa phương trong Vùng.
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 09 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.
Vùng Thủ đô Hà Nội được định hướng là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là vùng có môi trường sống và môi trường cảnh quan phong phú, giàu tính văn hóa - xã hội, mang đậm bản sắc dân tộc với xu hướng phát triển hiện đại; là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương và cả vùng.
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các lợi ích dự kiến (Đồ họa: TTXVN)
Nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại, Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Theo các chuyên gia, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kết nối với các tỉnh phát triển năng động nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, trực tiếp chạy qua Hưng Yên, Bắc Ninh và kết nối một số vùng đậm nét văn hóa với quỹ đất và không gian phát triển vô cùng tiềm năng cho phát triển du lịch, văn hóa, công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội. Dự án được triển khai không chỉ tác động đến liên kết giao thông vùng mà còn góp phần thu hút đầu tư, hình thành chuỗi đô thị mới phía Tây với các đô thị vệ tinh Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức và tạo động lực phát triển một số khu đô thị mới, khu công nghiệp dọc tuyến trên địa phận các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... Đồng thời giải quyết hàng loạt điểm ùn tắc giao thông như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5…
Đặc biệt, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế không chỉ của Hà Nội mà còn của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, qua đó giúp giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Vùng.