Nhiều tin tốt, dòng tiền đã trở lại với thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 5 với diễn biến tích cực về cả điểm số và thanh khoản. Mặc dù cần nhiều thời gian để thẩm định rõ hơn về các tín hiệu kinh tế vĩ mô và kết quả doanh nghiệp. Nhưng thị trường đang có nhiều cơ sở hơn về niềm tin dòng tiền sẽ dồi dào trở lại...

thi-truong-chung-khoan-phan-khoi-voi-dong-tien-san-sang-quay-tro-lai_649127bab3916.jpg

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 5/2023 không có hiện tượng “Sell in May” (bán tháng 5). Dù chưa bứt tốc thoát khỏi xu hướng giằng co, tích lũy, nhưng thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về cả điểm số và thanh khoản.

Tâm lý lạc quan trở lại

Thời gian qua, thị trường chứng khoán trong nước đã trở nên sôi động hơn rất nhiều với mức thanh khoản tăng dần. Trong hai tuần cuối tháng 5/2023 thanh khoản trên HOSE đã tăng 32% so với mức trung bình của quý 1.

Từ đầu tháng 6/2023 tới nay, thị trường đã xuất hiện nhiều phiên giao dịch có thanh khoản vượt “tỷ đô”. Điển hình như phiên giao dịch ngày 8/6 bất ngờ sôi động khi xác lập mức thanh khoản kỷ lục trong hơn một năm trở lại đây. Đã có tổng cộng 1,56 tỷ đơn vị cổ phiếu chuyển nhượng trong phiên với giá trị giao dịch đạt hơn 27.300 tỷ đồng, tương đương 1,15 tỷ USD.

Mặc dù, trong vài phiên trở lại đây, chỉ số VN-Index giảm nhẹ nhưng nhìn tổng thể, thị trưởng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt so với cùng kỳ tháng trước. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 9/6, chỉ số đạt VN-Index 1.107,53 điểm, tăng 66,92 điểm, tương đương với tăng 6,4% với đầu tháng 5/2023 (phiên ngày 4/5/2023 đạt 1.040,61 điểm). Cũng tính đến ngày 9/6, chỉ số VN-Index đã tăng gần 10% kể từ đầu năm và tăng 17,6% từ đáy của năm 2022.

Theo nhóm phân tích của SSI Research, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng, điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán đang tăng dần lên.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng đáng kể từ sự suy yếu của nhiều nền kinh tế lớn và việc hỗ trợ hồi phục kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa từ Chính phủ cần thời gian đủ dài để thẩm thấu, thị trường chứng khoán Việt Nam đang sôi động hơn nhờ động lực từ dòng tiền cá nhân trong nước trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang đi xuống.

Thị trường chứng khoán

Riêng trong tháng 5, nhà đầu tư nhận được hai thông tin hỗ trợ tích cực với thị trường khi thông báo giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm và Quy hoạch Điện VIII cuối cùng đã được thông qua sau rất nhiều lần dự thảo. Điều này đi kèm với kỳ vọng các dự án đầu tư lớn của ngành điện và ngành dầu khí sẽ có chuyển biến trong thời gian tới.

Đồng thời, kỳ họp Quốc hội diễn ra từ 22/5 và dự kiến kết thúc vào ngày 23/6 cũng nhận được nhiều sự quan tâm theo dõi của nhà đầu tư với niềm tin sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, trong đó có thể kể đến việc giảm thuế VAT.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, sự dịch chuyển của dòng tiền nội là hệ quả của những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ. “Những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã tạo ra kỳ vọng tích cực của giới đầu tư vào sự hồi phục chung của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong thời gian tới”, ông Ngọc cho biết.

Một ý kiến khác, Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho hay: "Khoảng 1 năm qua, thị trường chứng khoán suy giảm do các yếu tố trong và ngoài nước như lạm phát và lãi suất cao, nguy cơ suy thoái kinh tế… Chính phủ đã nhận diện rõ những rủi ro của nền kinh tế nên bằng nhiều chính sách quyết liệt đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm giải tỏa nỗi lo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực thi giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công..."

Theo đánh giá của SHS, VN-Index đã tạo đáy trung hạn ở vùng giá quanh 900 điểm hồi cuối năm 2022. Hiện tại, chỉ số đã hồi phục lên trên 1.100 điểm. Trong trung hạn và dài hạn, thị trường chứng khoán có nhiều tiềm năng tăng trưởng, ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật nói chung, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói riêng, phát triển vì mình, vì cộng đồng, vì nhà đầu tư, khi đó sẽ phát triển bền vững.

Hạ lãi suất sẽ khơi thông dòng tiền

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành liên tiếp. Đây được coi là một trong những thông tin hỗ trợ mạnh cho thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Trong báo cáo mới đây, VietinBank Securities (CTS) đánh giá, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chưa tác động nhiều tới thị trường chứng khoán do đà giảm không nhiều, thời gian chưa đủ lâu, mặt bằng lãi suất thương mại vẫn ở mức cao và thị trường giai đoạn này chịu áp lực từ nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ, bao gồm khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng...

thi-truong-chung-khoan-phan-khoi-voi-dong-tien-san-sang-quay-tro-lai_649128519e93c.jpg Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2023 đến nay

Do đó, nhóm phân tích cho rằng việc giảm lãi suất điều hành cần duy trì trong thời gian kéo dài với mức độ giảm mạnh hơn thì tác động lên thị trường mới rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng rất tiêu cực lên thị trường.

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường được dự báo sẽ giảm tương ứng với đà giảm lãi suất điều hành, có thể giảm thêm 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2023. Trong xu hướng thị trường tăng, VietinBank Securities kỳ vọng P/E thị trường có thể đạt ít nhất bằng P/E tiền gửi, đồng nghĩa kỳ vọng chỉ số VN-Index tăng thêm khoảng 25 - 30% trong năm 2023, độ trễ có thể sang quý 1/2024.

Với những phân tích nói trên, các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023, có thể tăng rõ nét hơn sau khoảng 3 - 7 tháng kể từ khi phát đi thông báo giảm lãi suất gần nhất vừa qua. VN-Index năm 2023 nhìn chung sẽ có xu hướng tăng, khi mặt bằng lãi suất giảm và tỷ giá duy trì mức ổn định trở lại, thanh khoản thị trường dồi dào.

Mức tăng của VN-Index được nhận định tối thiểu từ 25 - 30% trong năm 2023 và thị trường bắt đầu chu kỳ tăng từ quý 3/2023, VN-Index năm 2023 với dự báo đóng cửa quanh ngưỡng 1.250 - 1.300 điểm (độ trễ có thể sang quý 1/2024).

Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và châu Âu, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

“Cùng với đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất điều hành, đề xuất giảm thuế VAT, gia hạn nộp thuế, miễn giảm, thuế, phí… cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước”, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.

Ngoài ra, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh: “Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong quý 3 và quý 4/2023”.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.