Trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu lân cận để thay thế, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh vào thị trường này.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 2/2024 Trung Quốc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 37,6 triệu USD, giảm 16,4% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc đạt 97 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ 2 thị trường cung cấp lớn nhất là Italia và Đức, nhưng lại tăng nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường Đông Nam Á. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 7,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Thái Lan đạt 3,1 triệu USD, tăng 24,5%; Indonesia đạt 1,5 triệu USD, tăng 5%...
Đáng chú ý, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, xuất khẩu hàng hóa nói chung và đồ nội thất bằng gỗ nói riêng của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận để thay thế nguồn cung từ các thị trường xa có chi phí vận chuyển cao hơn.
Về mặt hàng, trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có xu hướng giảm đáng kể. Dẫn đầu về trị giá nhập khẩu là ghế khung gỗ đạt 34,8 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 29,7 triệu USD, giảm 7,4%; đồ nội thất nhà bếp đạt 20,3 triệu USD, giảm 15,4%...
Đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc từ Việt Nam đều có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất văn phòng mở rộng nhất, chiếm 18,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc, tăng 16,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2024 ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 1,9% so với tháng 3/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 749 triệu USD, tăng 57,8% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 3,9% so với tháng 3/2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến lớn nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ, gỗ và sản phẩm gỗ còn xuất khẩu tới một số thị trường khác có tốc độ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2024, cụ thể xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 306,3 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023; Tiếp theo là thị trường Canada đạt 36 triệu USD, tăng 47,4%; Anh đạt 32,8 triệu USD, tăng 35,2%; Hà Lan đạt 23,2 triệu USD, tăng 46,9%; Pháp đạt 22,1 triệu USD, tăng 26,7%
Việt Hằng