Việc ký kết thỏa thuận gia nhập đã đưa Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của khối thương mại bao gồm 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và giờ là châu Âu.
Bộ trưởng Kinh doanh và thương mại Anh Kemi Badenoch ký Nghị định thư tham gia CPTPP tại Auckland, New Zealand. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)
Sáng 16/7, tại Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc ký kết diễn ra trong bối cảnh chính phủ Anh công bố một báo cáo mới cho biết vào năm 2019. Theo đó, cứ 100 lao động Anh thì có một người làm việc cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của khối CPTPP, tương đương với hơn 400.000 việc làm trên khắp nước Anh.
Ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là sự xác nhận chính thức về thỏa thuận để Vương quốc Anh gia nhập khối thương mại này, sau khi kết thúc đáng kể các cuộc đàm phán vào đầu năm nay. Chính phủ Anh hiện sẽ thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn hiệp định, bao gồm quy trình giám sát của Nghị viện, trong khi các quốc gia thành viên khác của CPTPP hoàn thiện các quy trình nội luật hóa của riêng họ.
Trở thành thành viên của CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư vào Anh của các quốc gia thành viên CPTPP, hiện trị giá 182 tỷ bảng Anh vào năm 2021, bằng cách đảm bảo các biện pháp bảo hộ cho các nhà đầu tư.
Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên và là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập. Chính phủ Anh sẽ thực hiện các bước cần thiết để hiệp định có hiệu lực thực thi, dự kiến vào năm tới.
Là một phần của CPTPP có nghĩa là hơn 99% hàng hóa xuất khẩu hiện tại của Vương quốc Anh sang các nước CPTPP sẽ đủ điều kiện được hưởng mức thuế bằng 0. Với việc Vương quốc Anh tham gia làm thành viên, CPTPP sẽ có tổng GDP trị giá 12.000 tỷ bảng Anh và chiếm 15% tổng GDP toàn cầu.
Việc mở rộng CPTPP với sự gia nhập của Vương quốc Anh sẽ giúp CPTPP đa dạng hóa chuỗi cung ứng nội khối, xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy giao thương giữa các doanh nghiệp của Vương quốc Anh với các nước thành viên.
CPTPP được thành lập vào năm 2018, hiện gồm 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam.
Sau khi Anh trở thành thành viên, CPTPP sẽ trở thành thị trường của hơn 500 triệu dân với tổng GDP ước tính hơn 13.600 tỷ USD.
CPTPP tạo cơ hội để tăng cường liên kết thương mại trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và mang đến nhiều cơ hội cho các quốc gia khác nhau. Tư cách thành viên CPTPP sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương hiện có mà Vương quốc Anh đã ký kết, bao gồm các hiệp định với Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Việt Nam.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do với các điều khoản loại bỏ thuế quan giữa các nước thành viên, đồng thời đặt ra các quy tắc về những vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động.
Các thành viên hiện tại của CPTPP gồm có Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia
Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019.
CPTPP ủng hộ các nền kinh tế xin gia nhập Hiệp định Thanh Xuân