UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bao gồm điều kiện về diện tích đất nông nghiệp để bồi thường bằng đất ở hoặc bằng căn hộ...
UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định 43/2024/QĐ-UBND ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, điều kiện về diện tích đất nông nghiệp để bồi thường bằng đất ở hoặc bằng căn hộ, thì đất nông nghiệp thu hồi có diện tích tối thiểu tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và các xã thuộc huyện Phú Quý từ 1.000m2 trở lên; các xã còn lại có diện tích từ 2.000m2 trở lên.
Diện tích bồi thường bằng đất ở tối đa không quá 2 lần hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định hoặc không quá 2 căn hộ tái định cư. Trường hợp khu đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 thì bồi thường không quá 2 lô đất.
Đồng thời, diện tích dùng để bồi thường được lấy tròn lô, tròn căn hộ. Diện tích dôi dư còn lại mà chiếm từ 50% lô đất ở, căn hộ trở lên thì được bồi thường tròn lô đất, tròn căn hộ tiếp theo.
Quyết định 43 nêu rõ, căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa bàn của huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện), UBND cấp huyện thực hiện công khai quỹ đất, quỹ nhà hiện có trước khi có thông báo thu hồi đất để UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến theo 2 quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2024, làm cơ sở đưa vào nội dung thông báo thu hồi đất.
Cụ thể, trường hợp tại địa bàn của cấp huyện có quỹ đất dùng để bồi thường bằng đất thì ưu tiên cho việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi.
Nếu quỹ đất còn dôi dư mới thực hiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi. UBND cấp huyện căn cứ tỷ lệ quy đổi để giải quyết cho từng trường hợp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và được phê duyệt trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp tại địa bàn của cấp huyện không còn quỹ đất, quỹ nhà thì được bồi thường bằng tiền.
Tỷ lệ quy đổi để bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng căn hộ được thực hiện theo 3 trường hợp. Thứ nhất, tỷ lệ quy đổi để bồi thường bằng đất được xác định bằng giá đất của loại đất thu hồi chia cho giá đất của loại đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi.
Thứ hai, tỷ lệ quy đổi để bồi thường bằng căn hộ được xác định bằng giá đất của loại đất thu hồi chia cho giá của căn hộ tái định cư.
Thứ ba, giá đất được xác định theo bảng giá đất, giá căn hộ tái định cư được xác định theo giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giá này chỉ để tính quy đổi, không phải tính bồi thường về đất).
Còn điều kiện về thứ tự ưu tiên để áp dụng bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng căn hộ sẽ ưu tiên cho người có đất thu hồi không còn đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn cấp xã nơi có đất thu hồi và ưu tiên cho người có đất thu hồi có diện tích đất theo thứ tự từ cao đến thấp trong dự án.
Đồng thời, ưu tiên cho người có đất thu hồi là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi đã giải quyết cho các trường hợp ưu tiên quy định khoản này mà trên địa bàn cấp huyện đó không còn quỹ đất, căn hộ để bồi thường thì người có đất thu hồi được bồi thường bằng tiền.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 49/2024/QĐ-UBND quy định tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất có quy mô nhỏ hơn 2ha sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô nhỏ hơn 2ha sang mục đích khác ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành về đất đai, trồng trọt thì phải đảm bảo 2 tiêu chí, điều kiện.
Một là chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 2 vụ lúa trở lên thì phải có phương án sử dụng tầng đất mặt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa; không làm ảnh hưởng đến canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề;
Hai là chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì phải có quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền về lựa chọn 3 nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, các pháp luật khác có liên quan và hồ sơ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (trừ những trường hợp pháp luật hiện hành không quy định).
Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất có quy mô nhỏ hơn 2 ha sang mục đích khác ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành về đất đai, lâm nghiệp thì phải đảm bảo các tiêu chí, điều kiện.
Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất mà trên đất có rừng trồng, rừng tự nhiên đủ tiêu chí thành rừng thì phải có đầy đủ hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 24 Điều 1 Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Còn chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì phải có quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, các pháp luật khác có liên quan và hồ sơ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (trừ những trường hợp pháp luật hiện hành không quy định).