Thay vì 1/1/2025, Luật Đất đai 2024 có thể chính thức hiệu lực từ 1/7/2024...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Văn bản số 202/TTg-NN về việc triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2022/QH15.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai và thông tư. Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay vì ngày 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp hồi đầu năm.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp trình chính phủ nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Bộ trưởng Bộ Tài chính cần thảo luận trình nghị định quy định về phát triển quỹ đất, về thu tiền sử dụng đất, thuê đất. Đồng thời, ban hành thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai. Đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần trình nghị quyết về đất trồng lúa…
Văn bản nêu rõ, trước ngày 31/3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ dự thảo tờ trình của Chính phủ, kèm dự thảo nghị quyết của Quốc hội trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trước đó, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tại tại họp báo thường kỳ tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, hiện nay đã rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong Luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết. Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến có 9 Nghị định hướng dẫn sẽ được ban hành. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 Nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 Nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Nghị định.
Dự kiến sẽ ban hành 6 Thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 Thông tư, Bộ Tài chính 1 Thông tư và Bộ Nội vụ 1 Thông tư. Có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu.
Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân ban hành. Trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị.
Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).