Trong xu thế hồi phục của nền kinh tế nói chung cũng như ngành thép nói riêng, các doanh nghiệp đầu ngành đang có những động thái tích cực đẩy mạnh mở rộng năng lực sản xuất, qua đó đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Công ty CP Tôn Đông Á mới đây công bố kế hoạch tiếp tục triển khai đầu tư nhà máy sản xuất thép lá mạ với công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm, qua đó tăng tổng công suất sản xuất của công ty vượt mức 2 triệu tấn/năm.
Dự kiến quá trình triển khai nhà máy mới sẽ kéo dài trong vòng từ 6-8 năm kể từ thời điểm được cấp giấy phép đầu tư, được chia làm bốn giai đoạn với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Các sản phẩm thép lá mạ của nhà máy chủ yếu sẽ được sử dụng cho lĩnh vực xây dựng, sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất thiết bị gia dụng.
Tôn Đông Á hiện trong nhóm ba doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất thép tôn mạ tại Việt Nam với 15,5% thị phần trong nước.
Công ty đang quản lý vận hành hai nhà máy sản xuất tôn mạ ở khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 tại tỉnh Bình Dương, với tổng công suất tối đa đạt 850.000 tấn/năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát cho biết tính đến tháng 4/2024, dự án Dung Quất 2 đã được tăng tốc triển khai, đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, nhà máy cán thép HRC đã thành hình, hoàn thành khoảng 50-70% về kết cấu.
Dự án này từng được ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát ví von là “quả đấm thép” với tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỉ đồng.
Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành vào quý I/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn I. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.
Hoà Phát dự kiến sẽ mất khoảng ba năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Theo ước tính của Chứng khoán Bảo Việt, khi chạy tối đa công suất, dự án Dung Quất 2 sẽ đóng góp vào khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu cho Hoà Phát.
Một “ông lớn” khác trong ngành cũng đang tái khởi động lại dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ sẽ có dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm.
Chủ tịch Thép Nam Kim, ông Hồ Minh Quang chia sẻ năm 2024 sẽ là năm bản lề để công ty tiến sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị ngành tôn mạ khi mà công ty quyết định đầu tư dự án nhà máy Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong tháng 4 đạt 2,6 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ trong đó thép xây dựng tăng 62% đạt 1,19 triệu tấn. Sản lượng bán tôn mạ đạt 538.500 tấn, tăng 52% nhờ nhu cầu từ xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các công trình đầu tư công trọng điểm.
Kênh xuất khẩu cũng rất khả quan. Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu thép bốn tháng đầu năm đạt hơn 3,2 tỷ USD với 4,34 triệu tấn, tăng 28% về giá trị và 33,7% về lượng so với năm trước.
Các công ty phân tích nhìn nhận, ngành thép sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trong cả năm 2024. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, tương tự như năm 2013.
Tại báo cáo triển vọng ngành thép 2024, Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép năm nay sẽ tăng hơn 6% so với năm 2023, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%.
Chứng khoán Rồng Việt cũng kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm nay, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm.
Trong đó, nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai… sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, sự phục hồi còn đến từ việc một phần các dự án bất động sản dân dụng và các dự án đầu tư công bắt đầu được đẩy nhanh tiến độ, giúp cải thiện nhu cầu về thép.
Dũng Phạm