Kinh tế Việt Nam dù đã có những tín hiệu tích cực trong 5 tháng đầu năm, song vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua, đặc biệt với doanh nghiệp một số ngành hàng sản xuất. Theo các chuyên gia, ngoài việc chủ động chọn kênh đầu tư thì doanh nghiệp vẫn cần trợ lực để “vượt cạn”.
Doanh nghiệp chưa thoát đáy khó khăn
Sau một năm 2023 xuất khẩu ảm đạm với ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã có đơn hàng cho tới quý III-IV/2024. Song, nhìn về tình hình kinh tế phía trước, ông Khanh cho rằng, dù đơn hàng xuất khẩu đã hồi phục nhưng doanh nghiệp lại đứng trước vấn đề giá cước cao. Ngoài ra, không loại trừ khả năng đối tác nhập khẩu có thể sẽ chủ động giảm đơn hàng.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quan trọng của Việt Nam. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đơn hàng ngành dệt may đến nay đã khá dồi dào, đơn giá đã tăng dần. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD xuất khẩu năm nay sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trong ngành đang gặp thách thức lớn về vấn đề tuyển dụng lao động, chất lượng lao động trong lĩnh vực dệt, sợi cũng chưa được như mong muốn.
Tương tự, với ngành điện, điện tử, dù là điểm sáng trong xuất khẩu với trị giá 39,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, xuất siêu 5 tỷ USD, nhưng bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) trăn trở trước thực tế, các doanh nghiệp điện tử của Việt Nam có đơn hàng gia công truyền thống bị giảm từ 50-80%, có doanh nghiệp phải đóng cửa bộ phận sản xuất trong khi họ đã có đơn hàng gia công trong 5-7 năm qua.
Là người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vài năm nay đang chậm lại, thậm chí tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng đi xuống. Điều này tác động đến giá trị, doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Nó còn là chỉ báo không mấy tích cực khi cả những doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn.
Điều đáng nói, xu hướng rút khỏi thị trường của doanh nghiệp nhanh hơn tốc độ gia nhập. Tức là, số doanh nghiệp đóng cửa hiện nay không còn được hiểu là theo quy luật thị trường (đào thải tự nhiên), mà đang thể hiện việc họ không nhìn thấy cơ hội kinh doanh.
|
Doanh nghiệp dệt may giới thiệu sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng. Ảnh: BẮC SƠN
|
Cần đa dạng hóa đầu tư
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, bên cạnh những điểm sáng, xu hướng phục hồi là tích cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt không ít khó khăn khi lạm phát đã tạo ra nguy cơ, thị trường vàng trồi sụt, lãi suất, tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại... Trong bối cảnh này, việc lựa chọn kênh đầu tư hợp lý rất quan trọng. Một nguyên tắc quan trọng “bất di bất dịch” với các nhà đầu tư là phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư. Có thể thấy một số kênh đầu tư hiện nay tương đối khả quan.
Đó là, với kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức lãi suất 5-6% và thời gian tới nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức này. Còn kênh chứng khoán đang phục hồi tích cực, tùy lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay diễn biến tương đối tích cực, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... tăng mạnh. Tiếp theo là kênh bất động sản cũng đã có nhiều tín hiệu cho thấy đà phục hồi, trong đó phải kể đến phân khúc khu công nghiệp, bất động sản nhà ở. Đặc biệt, với thu nhập và nhu cầu tương đối lớn về nhà ở của người dân hiện nay, thị trường bất động sản đang thể hiện tình trạng thiếu cung. Do đó, giá một số phân khúc bất động sản sẽ tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh việc chủ động chọn kênh đầu tư từ doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần Chính phủ trợ lực hỗ trợ họ “vượt cạn”. Đại diện Hiệp hội dệt may kiến nghị triển khai hiệu quả gói 120 nghìn tỷ đồng cho người lao động vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, kiến nghị dành khoản tiền 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp sau dịch Covid-19 của Chương trình phục hồi cho các doanh nghiệp vay chuyển đổi xanh. Tức là, cần phải "cải tiến" gói hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang mong muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Gói này được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022, quy mô tối đa 40 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, các ngân hàng mới chỉ giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương hơn 3% gói hỗ trợ. Vì thế, Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn triển khai chính sách đến hết năm 2024. Về nguyên nhân số vốn giải ngân thấp, Chính phủ cho rằng, có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, mặc dù có những doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam nhận định, để giải ngân được gói 2% thì cần dựa trên những nguyên tắc của thị trường và chuyển hóa nó thành giao dịch hoàn toàn mang tính chất thương mại.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần xem lại phương thức các chính sách hỗ trợ sau này. Theo Bộ trưởng, ở nhiều nước, người dân được hỗ trợ tiền mặt, 1.500-2.000 USD, nên kích thích tiêu dùng, nền kinh tế. Trong khi đó, chúng ta hỗ trợ thông qua chính sách, nên cần sự đơn giản hóa thủ tục, bởi chính sách đưa ra trong tình huống đặc biệt thì cần thủ tục, quy trình đặc biệt, còn làm như thông thường sẽ hết giờ, cái gì cũng phải xin cơ chế.
Theo TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh hiện nay, dù chọn kênh đầu tư nào thì cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Nhà đầu tư cần phải biết rõ “khẩu vị”của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.
HỒNG HẠNH