Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng: Lịch sử giá có lặp lại?

Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức đấu thầu vàng SJC sau 11 năm tạm dừng, để tăng cung cho thị trường. Động thái mới nhất của cơ quan quản lý này được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, sẽ tác động tới giá vàng...

Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng: Lịch sử giá có lặp lại?

Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng. Và cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Như vậy sau thành công từ 11 năm trước, Ngân hàng Nhà nước chính thức quay lại tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục đích tăng nguồn cung, qua đó hỗ trợ hạ nhiệt cơn "sốt" vàng đang diễn ra.

Tuy nhiên, lịch sử giá có thực sự lặp lại sau hành động điều tiết của nhà quản lý tiền tệ hay không là câu hỏi đang được thị trường quan tâm. Bởi bối cảnh của từng thời điểm là khác biệt.

ĐÃ TỪNG THÀNH CÔNG GIẢI “CƠN KHÁT CUNG”

Trước đó, vào năm 2013, công cụ đấu thầu vàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhằm hạ nhiệt giá vàng. Cụ thể, trong năm 2013, nhà điều hành đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng, tương đương với gần 70 tấn vàng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Trong đó, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

Theo chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm năm 2013, việc đấu thầu không nhằm mục tiêu giảm giá vàng xuống ngay lập tức mà chủ yếu là để tăng cung ra thị trường, từ đó giải quyết nhu cầu vàng.

Cùng nhìn lại bối cảnh thời điểm đó để đánh giá tác động của chính sách này tới thị trường vàng năm 2013.

Theo ghi nhận của Viện chiến lược Ngân hàng, năm 2012 thị trường ghi nhận hai cơn sốt tăng giá vào thời điểm tháng 8 đến tháng 11 do các ngân hàng đóng trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại – một hoạt động gây rủi ro, mất an toàn của hệ thống ngân hàng.

Đầu tháng 8/2012, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường đã đẩy giá mặt hàng này tăng nhanh từng ngày, trái ngược với tình cảnh ảm đạm như các kênh đầu tư khác cùng thời điểm đó. Giá tăng mạnh vượt qua mốc 43 triệu đồng/lượng chỉ trong một thời gian ngắn rồi đứng ở mức cao, dù diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới đã bớt “nóng”.

Từ cuối tháng 10 kéo sang tháng 11, thị trường vàng trong nước thêm một lần nữa lại “dậy sóng”. Cơn sốt vàng lần này chủ yếu là do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh mua để thực hiện quy định của Nghị định 24. Dù có những cơn sốt giá, nhưng giá vàng năm 2012 vẫn không chạm đỉnh kỷ lục của năm 2011 (49 triệu đồng/lượng).

Giá vàng xác lập đỉnh trong năm 2012 đạt mức xấp xỉ 48,5 triệu đồng/lượng vào trung tuần tháng 10, đầu tháng 11.

Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng: Lịch sử giá có lặp lại? 2

Những biến động trên thị trường vàng khi đó đã buộc Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng. Thực tế là sau các phiên đấu thầu vàng, giá vàng trong năm 2013 giảm dần và không còn các đợt sốt giá như những năm trước đó. Giá vàng SJC cao nhất ở mức 46,74 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2013 và giảm dần còn 34,78 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2013, tương đương mức giảm gần 12 triệu đồng/lượng trong vòng 1 năm.

Đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết: “Việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước đã tác động đến thị trường vàng. Xu thế rõ nét của năm 2013 là giá vàng giảm khá nhanh và không có các cú sốc, mặc dù mức giảm còn thấp hơn giá vàng thế giới. Chính sách đấu thầu vàng miếng cùng với một loạt các quy định nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động tích cực trong việc ổn định thị trường vàng trong nước”.

Ngoài ổn định giá vàng, các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước còn góp phần ổn định tỷ giá, chống lạm phát và giúp thị trường vàng hoạt động minh bạch, giảm nạn đầu cơ gây lũng đoạn thị trường vàng.

Để thực hiện chính sách này, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã phải chi một khối lượng lớn ngoại tệ để nhập gần 70 tấn vàng để chuyển thành vàng miếng bán đầu thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

BỐI CẢNH KHÁC NHAU GIỮA 2 THỜI ĐIỂM ĐẤU THẦU VÀNG

Quay trở về với thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước đang neo ở vùng cao nhất từ trước đến nay. Trong phiên giao dịch chiều 15/4, giá vàng miếng SJC tiến sát mốc 86 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn cũng chạm mốc 77 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở thời điểm hiện tại cao hơn rất nhiều so với 11 năm trước.

Lật lại lịch sử, thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC trong năm 2013, tỷ giá USD/VND và giá vàng thế giới vẫn ở mức thấp và duy trì ổn định. Nhưng đến hiện tại, tỷ giá USD/VND đã leo lên mức đỉnh lịch sử, có thời điểm giá USD niêm yết tại ngân hàng thương mại là 25.300 USD/VND.

Trong khi đó, giá vàng thế giới rất khó lường và biến động theo những diễn biến địa chính trị tại Trung Đông (Iran và Israel), tại Ukraine... cũng như chính sách tiền tệ của Mỹ và nhiều nước khác. Nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ có thể lập đỉnh mới trong nửa cuối năm 2023, có thể là 2.500 USD/ounce, thậm chí 3.000 USD/ounce (quy đổi tương đương hơn 92 triệu đồng/lượng).

Theo các chuyên gia, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung - cầu, kéo giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới chỉ là giải pháp nhất thời.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Nguyễn Thế Hùng từng nói: “Đấu thầu vàng miếng vẫn là giải pháp trong ngắn hạn để tăng cung và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Còn lộ trình đấu thầu trong bao lâu và sau đấu thầu là gì vẫn chưa thể nói trước được".

Đồng thời, ông Hùng cho biết việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp trước mắt khi chờ sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024", TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn, xoá bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

"Nhiều người lo nếu cho phép xuất nhập khẩu bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ. Nhưng thực tế, vàng nhập lậu xảy ra thời gian qua cũng cần đến ngoại tệ. Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Về diễn biến giá vàng thế giới tăng kỷ lục, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên nghiên cứu tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. Đây có thể là giải pháp tình thế ngắn hạn chứ không phải là biện pháp có tính căn cơ, dài hạn.

Đánh giá về giải pháp đấu thầu nhằm tăng lượng cung vàng miếng, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, từng chia sẻ trong một tọa đàm rằng, không nên kỳ vọng đấu thầu vàng miếng sẽ giúp kéo giá vàng xuống ngay lập tức mà chủ yếu nhằm tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng, giảm chênh lệch giá mua và giá bán.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra mặt khác của chính sách này, đó là nếu nhập khẩu vàng thì nhà điều hành lại phải hy sinh dự trữ ngoại hối . "10 năm trước Việt Nam đã bỏ ra hơn 4 tỷ USD để nhập khẩu vàng", ông cho hay.

Đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Tuấn cho rằng nên thành lập sàn giao dịch vàng vật chất, hoạt động giống như các sàn ở London, Thượng Hải. Trên đó, có một số đầu mối liên thông với thế giới, nhập vàng về và bán cho người có nhu cầu. Ngoài ra, dùng thuế điều tiết mua bán vàng cũng là một đề xuất nên cân nhắc.

Ngày 15/4/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng, đồng thời có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, tại văn bản số 3102/NHNN-QLNH, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính phối hợp: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả; hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3003/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị định 24; Nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

Thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, theo đó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...;

Phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.

Tại Văn bản số 3104/NHNN-QLNH, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công Thương phối hợp: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị định số 24; Nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan

Làm gì khi VN-Index có cú sụt gần 60 điểm?

Làm gì khi VN-Index có cú sụt gần 60 điểm?

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở giai đoạn này, dừng bán và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp...

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.