Cục quản lý Dược - Bộ Y tế vừa ban hành cùng lúc nhiều quyết định dừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc của một số doanh nghiệp do họ dính nhiều sai phạm...
Liên quan đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM, Cục quản lý Dược cho biết, do doanh nghiêp này từng nhập khẩu 11 lô thuốc Myomethol vi phạm chất lượng. Trước đó, ngày 27/3 Cục quản lý Dược đã ra quyết định buộc tiêu hủy 11 lô thuốc này.
Theo tìm hiểu, Myomethol là thuốc dùng để trị đau lưng cấp tính do co thắt cơ, co thắt cơ xương do thoát vị đĩa đệm, gẫy xương hoặc trật khớp, co thắt cơ do kích ứng thần kinh hoặc chấn thương.
Bên cạnh đó, Cục quản lý Dược cũng đã yêu cầu ngừng nhập khẩu trong 1 năm đối với toàn bộ thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. sản xuất. Nguyên nhân do công ty này từng nhập khẩu 2 lô thuốc Neurobion vi phạm chất lượng.
Được biết, thuốc Neurobion có thành phần chính là vitamin B6, vitamin B1 và vitamin B12, thuốc dùng để điều trị rối loạn thần kinh ngoại vi, giảm đau trong đau dây thần kinh, các bệnh lý thần kinh trong đái tháo đường hoặc do nghiện rượu; điều trị hỗ trợ trong đau khớp; điều trị các rối loạn do thiếu hụt vitamin B1, B6, B12.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, Cục quản lý Dược cũng đã có quyết định ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc của Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam kể từ ngày 7/4.
Trước đó, doanh nghiêp này nhập khẩu 2 lô thuốc Zinnat Suspension vi phạm chất lượng. Đây là thuốc dùng để điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Thuốc được bào chế dưới dạng cốm khô, màu trắng đến trắng đục, hương vị nhiều loại trái cây để pha hỗn hợp dịch uống, dùng cho viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản cấp tính, nhiễm trùng da và mô mềm.
Cũng liên quan đến dược phẩm, mới đây Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả, để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong công văn, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chú trọng công tác đảm bảo chất lượng thuốc trong sử dụng kinh doanh để kịp thời phát hiện thuốc không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc nghi ngờ giả; nếu phát hiện khẩn trương thông báo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.
Trước đó, Cục Quản lý Dược có công văn số 3294/QLD-CL ngày 05/4/2023 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả, để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.