Nếu không bỏ trần giá vé máy bay, các hãng sẽ khó có thêm lợi nhuận khi giá các loại chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, các khoản vạy, nợ đang gần đến ngày thanh toán, doanh nghiệp hàng không lâm vào khó khăn...
Hiện tại, trần giá vé máy bay đang được áp dụng theo Công văn số 5010/CHK-TC tháng 9/2015 về điều chỉnh khung giá trần. Công văn này quy định, căn cứ điều chỉnh khung giá trần được xác định dựa trên giá nhiên liệu dầu Jet A1.
Tuy nhiên, thời điểm ban hành, giá dầu JET A1 duy trì ở mức 80-85 USD/thùng. Nhưng hiện tại, theo số liệu thống kê của IATA ngày 17/2/2023, giá Jet A1 khu vực Châu Á là 102.99 USD/thùng, dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2023 là 128.63 USD/thùng.
Theo công thức tính giá vé máy bay dựa trên giá dầu nguyên liệu, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, kèm điều kiện các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, thì chi phí nhiên liệu tháng 2/2023 của các hãng hàng không tăng 45,51% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 19,47% so với tháng 9/2015.
Do đó, các hãng hàng không đều kiến nghị cơ quan chức năng bỏ trần giá vé máy bay.
Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết, Bộ Giao giao thông vận tải sớm xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.
"Việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng,” ông Quân nhấn mạnh.
Ông Trịnh Ngọc Thành - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng lên tiếng: "Giá trần đóng khung từ 2015 tới nay không có thay đổi. Nhưng nếu bỏ giá trần thì phải sửa luật - một việc chưa biết kéo dài đến bao giờ. Trong khi đó, các hãng hàng không cần được gỡ khó, để tồn tại tới hết năm 2024".
Làm rõ hơn vấn đề, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, khó khăn lớn nhất của các hãng bay Việt là giá vé bình quân trên thị trường thế giới đã tăng giá trên 50%, nhưng giá vé nội địa lại không tăng. Các hãng bay không được áp dụng cơ chế phụ thu nhiên liệu kể cả khi giá nhiên liệu bay đã tăng rất mạnh trong những năm qua. Không chỉ nhiên liệu mà các chi phí đầu vào khác như: chi phí thuê tàu bay, tỷ giá, nhân công đều đã tăng đã khiến các hãng bay Việt Nam dù bay nhiều nhưng vẫn không cân đối được thu chi.
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia ngành hàng không nêu thực trạng, thị trường hàng không toàn cầu đã dần phục hồi, nhu cầu thuê tàu bay tại Mỹ, Châu Âu đang tăng cao nên các hãng hàng không Việt Nam có nguy cơ bị thu hồi tàu bay nếu tiếp tục chậm các khoản thanh toán đến hạn.
“Trong bối cảnh các hãng đều ngập trong thua lỗ lớn sau 3 năm chống chịu với dịch Covid-19, đây sẽ là một vấn đề rất lớn của toàn thị trường”, ông Nam lo lắng.
Kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay đã được các hãng hàng không gửi đến cơ quan chức năng từ năm 2005. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia còn duy trì khung giá cước vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.