Khủng hoảng bất động sản có thể đẩy ngân hàng vào 'bão nợ xấu'

Sự kiện không trả được nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có thể kéo theo phản ứng dây chuyền khiến các khoản vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng khác cũng bị nhảy nhóm nợ.

Khủng hoảng bất động sản có thể đẩy ngân hàng vào 'bão nợ xấu'

Mới đây, Novaland thông báo giãn nợ 1.000 tỷ đồng trái phiếu và đề xuất trong thời hạn 2 tháng đàm phán với các trái chủ để đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền của công ty.

Cụ thể Novaland đề xuất kéo dài thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do Novaland đang đầu tư và phát triển.

Tập đoàn chưa cập nhật thông tin về kết quả đàm phán của khoản nợ này. Trong trường hợp Novaland và các trái chủ không thể thống nhất với nhau về đề xuất gia hạn thanh toán hay hoán đổi thành bất động sản, có thể các điều khoản về xử lý tài sản đảm bảo trong hợp đồng mua bán trái phiếu sẽ được kích hoạt.

Mặt khác, sự kiện này có thể kéo theo một nguy cơ lớn hơn đó là phản ứng dây chuyền đến các khoản nợ khác của Novaland. Thông thường trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, việc một khoản nợ bị đánh giá mất khả năng thanh toán sẽ khiến các khoản nợ khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác có thể bị nhảy nhóm nợ, hay nói cách khác trở thành nợ xấu.

Báo cáo tài chính cuối năm 2022 của Novaland cho thấy, doanh nghiệp này có khoảng 25.500 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 40.000 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Trong đó, chủ nợ chính của Novaland là các ngân hàng, với khoảng 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn – dài hạn và hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Do tăng quy mô các khoản vay, trong năm ngoái, Novaland đã phải trả hơn 6.000 tỷ đồng chi phí lãi vay. Con số này đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy vậy khi nợ xấu xảy ra, các ngân hàng sẽ phải dành hàng nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu.

Tại Hội nghị với Thủ tướng tuần trước, người đứng đầu Novaland đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

"Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu", ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland nói.

Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước trước đó, ông Lê Trọng Khương - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land nhấn mạnh doanh nghiệp chưa nhảy nhóm nợ chứ không phải không nhảy.

"Nếu không có chính sách hỗ trợ quyết liệt thì đến một lúc nào đó chuyện nhảy nợ là có thể xảy ra. Tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị NHNN cho phép cơ cấu, giãn nợ để tránh trường hợp nhảy nợ. Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ cho việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh", ông Khương bày tỏ.

Trên thực tế tình trạng chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu đã diễn ra phổ biến trong nửa năm qua. Trong giai đoạn từ 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận có tới 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu.

Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp trong số này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Gotec Land, BĐS Hà An, Apec Land Huế.

Sau đó, chuyên trang trái phiếu của HNX tiếp tục ghi nhận thông tin nhiều doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu đã phát hành như Công ty Nice Star, Lavida Invest, Fuji Nutri Food hay Công ty BĐS Phú Gia.

Làn sóng doanh nghiệp bất động sản mất thanh khoản, không còn khả năng trả nợ đang lan rộng. Trong khi đây là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trong những năm trước và các ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản bên cạnh các khoản vay kinh doanh bất động sản thông thường.

Việc Bộ Tài chính đang trình dự thảo sửa đổi Nghị định 65, trong đó cho phép kéo dài tối đa 2 năm kỳ hạn các trái phiếu đã phát hành có thể khiến nợ xấu trái phiếu bất động sản chưa xuất hiện trong năm nay. Tuy vậy hệ thống ngân hàng vẫn sẽ đối mặt với nhiều áp lực xử lý các khoản vay/ lô trái phiếu đến hạn.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ban điều hành ngân hàng.

Nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Ngành y tế bộc lộ 8 ‘điểm yếu’ sau Covid-19

Ngành y tế bộc lộ 8 ‘điểm yếu’ sau Covid-19

Những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công; năng lực hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng còn nhiều hạn chế; kiểm định trang thiết bị chưa được chú trọng; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế… đang là một trong những điểm ‘nhức nhối’ của ngành y tế hiện nay.
M&A bất động sản: Vì sao các 'thợ săn' vẫn chỉ rình rập, không xuống tiền?

M&A bất động sản: Vì sao các 'thợ săn' vẫn chỉ rình rập, không xuống tiền?

Trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, lãi suất ngân hàng neo ở mức cao, doanh nghiệp cạn dòng tiền, M&A bất động sản được cho là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song theo nhiều chuyên gia, thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án hiện vẫn rất trầm lắng do nhiều thách thức nan giải.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.