Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán và đặc biệt là sự căng thẳng thuế quan làm gián đoạn chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu…
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt được kết quả rất tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn.
So với cùng kỳ năm 2024, GDP quý 2 năm 2025 đạt 7,96%; Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 9,2%; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 9,8%... cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development - OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,9% trong đó tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam sẽ đạt 6,2%.
TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2025 tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm 2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,07% so với cùng kỳ năm 2024.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,20%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,30%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 9,62%, là mức tăng cao nhất đóng góp 0,63 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,53%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng 5/2025 chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. CPI tháng 6/2025 tăng tăng 3,57% so với cùng kỳ năm 2024.
CPI bình quân quý 2/2025 tăng 3,31% so với quý 2/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.
Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 6/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm.
Tính đến ngày 28/6, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.369,73 USD/ounce, tăng 1,93% so với tháng 5/2025. Giá vàng trong tháng tăng chủ yếu do tác động kết hợp của bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung đông cùng với lực mua từ ngân hàng Trung ương và các quỹ đầu tư vàng tăng.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân quý 2/2025 tăng 43,62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá đô la Mỹ trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 28/6, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 98,6 điểm, giảm 1,34% so với tháng trước do nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2025, cùng với lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Trong nước, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2025 tăng 0,32% so với tháng trước do nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán nhập khẩu tăng; tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân quý 2/2025 tăng 2,98%; bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,3%.
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2025 ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong tháng ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 8,1%; hàng may mặc tăng 6,0%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,1% và du lịch lữ hành tăng 23,9%.
Trong quý 2/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.713,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 8,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% (cùng kỳ tăng 6,0%).
HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 591,1 nghìn lao động, tăng 11,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,9% về số vốn đăng ký và tăng 13,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2024.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 9,0 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025 là hơn 2.778,0 nghìn tỷ đồng, tăng 89,0% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 57,2% so với cùng kỳ năm ngoái), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong tháng có 6.433 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024; gần 10,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 54,0% và tăng 86,2%; có 2.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,6% và tăng 59,6%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 80,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2024; hơn 34,0 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,3%; hơn 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3%. Bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU
Trong tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 39,49 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD, tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,85 tỷ USD, giảm 0,4%. Nếu so với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,4%.
Trong quý 2/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 13,6% so với quý 1/2025. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9,4%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 161,55 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 73,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 72,3%).
Nhập khẩu hàng hóa:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,79 tỷ USD, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,87 tỷ USD, giảm 8,2%. Nếu so với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng tăng 20,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,7%.
Trong quý 2/2025, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 12,9% so với quý 1/2025. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,38 tỷ USD, tăng 22,3%.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,0% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 56,8%).
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP (IIP)
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, IIP ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 8,0%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1% (cùng kỳ tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5% (cùng kỳ tăng 12,8%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3% (cùng kỳ tăng 6,4%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,0% (cùng kỳ giảm 6,0%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2025 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm ngoái: Sản xuất xe có động cơ tăng 31,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 17,0%; sản xuất trang phục tăng 15,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,7%; sản xuất kim loại tăng 11,0%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 1,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,2%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,7% so với cùng thời điểm năm 2024. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2% và giảm 0,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 3,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,6% và tăng 5,8%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,3% so với cùng thời điểm năm ngoái; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% và tăng 5,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đều tăng 0,1% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3% và tăng 1,5%.
THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách Nhà nước tăng 38,5%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thu ngân sách Nhà nước:
Tổng thu ngân sách Nhà nước trong tháng ước đạt 176,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể một số khoản thu chính như sau:
- Thu nội địa trong tháng đạt 149,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.158,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Thu từ dầu thô trong tháng đạt 3,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán năm và giảm 16,7%.
- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng đạt 23,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 148,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán năm và tăng 6,5%.
Chi ngân sách Nhà nước:
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6/2025 ước đạt 282,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán năm và tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Chi thường xuyên đạt 776,0 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% và tăng 40,8%; chi đầu tư phát triển 268,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% và tăng 42,3%; chi trả nợ lãi 55,7 nghìn tỷ đồng, bằng 50,4% và giảm 0,3%.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA
Hoạt động vận tải trong tháng 6/2025 tiếp tục sôi động, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam, phục vụ sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa. So với cùng kỳ năm 2024, vận tải hành khách trong tháng 6/2025 tăng 23,2% về vận chuyển và tăng 15,5% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 15,0% về vận chuyển và tăng 15,1% về luân chuyển.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, vận chuyển hành khách tăng 20,9% và luân chuyển tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2024. Vận chuyển hàng hóa tăng 14,3% và luân chuyển tăng 13,4%.
Vận tải hành khách trong tháng ước đạt 520,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,4% so với tháng trước và luân chuyển 26,4 tỷ lượt khách/km, tăng 5,5%; quý 2/2025 ước đạt 1.462,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2024 và luân chuyển đạt 76 tỷ lượt khách/km, tăng 15,1%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, vận tải hành khách ước đạt 2.857,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái và luân chuyển đạt 151,9 tỷ lượt khách/km, tăng 13,5%. Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 2.847,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2024 và 120,8 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 14,8%; vận tải ngoài nước ước đạt 9,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 9,4% và 31,1 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 9,1%.
Vận tải hàng hóa tháng 6/2025 ước đạt 247,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,2% so với tháng trước và luân chuyển 51,8 tỷ tấn/km, tăng 2,4%; quý 2/2025 ước đạt 730,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024 và luân chuyển 150,6 tỷ tấn/km, tăng 16,2%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, vận tải hàng hóa ước đạt 1.438,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái và luân chuyển 291,3 tỷ tấn/km, tăng 13,4%. Trong đó, vận tải hàng hóa trong nước ước đạt 1.412,8 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,3% và 165,2 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 5,8%; vận tải ngoài nước ước đạt 25,8 triệu tấn vận chuyển, tăng 11,3% và 126,1 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 25,2%.
KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM
Trong tháng 6/2025, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,46 triệu lượt người, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% lượng khách quốc tế đến và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2024; bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%; bằng đường biển đạt 181,4 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10,0%.
Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong quý 2/2025 là 1.379,5 nghìn lượt người, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 4.062,8 nghìn lượt người, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2024.
VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 2/2025 theo giá hiện hành ước đạt 921,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2024, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 262,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 493,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,0%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 166,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 445,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,0% tổng vốn và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2024; khu vực ngoài Nhà nước đạt 858,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,0% và tăng 7,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 287,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,0% và tăng 10,6%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 291,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ bằng 31,1% và tăng 2,8%). Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn địa phương đạt 247,3 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% và tăng 22,5%.
Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 168,3 nghìn tỷ đồng, bằng 30,0% và tăng 25,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 68,3 nghìn tỷ đồng, bằng 35,9% và tăng 17,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% và tăng 6,9%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 487,1 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 111,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư; vận tải kho bãi đạt 78,5 triệu USD, chiếm 16,1%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 76,8 triệu USD, chiếm 15,8%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 150,3 triệu USD, chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư; Philippines 61,8 triệu USD, chiếm 12,7%; Indonesia 60,5 triệu USD, chiếm 12,4%; Đức đạt 50,6 triệu USD, chiếm 10,4%; Mỹ 30,2 triệu USD, chiếm 6,2%.
7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Bình Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, TPHCM, Đồng Nai và Hưng Yên.