Hải Phòng: Hơn 361 nghìn tỷ đồng phát triển đô thị đến năm 2040

TP. Hải Phòng phấn đấu đến năm 2040 đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80% - 86%. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn phát triển đô thị của Thành phố theo giai đoạn từ nay đến năm 2040 là 361.002,74 tỷ đồng.

UBND TP. Hải Phòng mới đây đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Chương trình phát triển đô thị TP. Hải Phòng trên toàn bộ phạm vi ranh giới đơn vị hành chính của TP. Hải Phòng, bao gồm bao gồm cả nội thành, ngoại thành của thành phố, trên 15 đơn vị hành chính trực thuộc với 07 quận nội thành (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 08 huyện ngoại thành (An Dương, An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo). Về giới hạn phạm vi, phía Bắc, Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam, Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình; phía Đông, Đông Nam giáp Vịnh Bắc Bộ; phía Tây giáp tỉnh Hải Dương.

Mở rộng đô thị trung tâm, thành lập TP. Thủy Nguyên

Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá TP. Hải Phòng đạt khoảng 60-70%; Mật độ dân số toàn đô thị từ 2.000 người đến 3.000 người/km²; Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, đến năm 2025 đạt 31%-32%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người thành phố đạt tối thiểu 29,2 m²/người.

Số lượng quận, danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính, quận, phường dự kiến thành lập mới, số lượng đô thị, khu vực đô thị thực hiện theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2023-2025 và các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành theo quy định.

Mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính quận Hồng Bàng (thành lập quận An Dương và điều chỉnh 03 xã An Hưng, Đại Bản và An Hồng sang quận Hồng Bàng). Khu vực nội thành bao gồm 8 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn và An Dương. Thành lập TP. Thủy Nguyên trên cơ sở hiện trạng địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và toàn bộ đảo Vũ Yên.

Hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I TP. Hải Phòng theo quy định; 100% các đô thị hiện có, đô thị mới có Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch phân khu và cơ bản hoàn thiện xây dựng Chương trình phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị theo quy định; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Tỷ lệ đất xây dựng đô thị toàn Thành phố đến năm 2030 đạt 34%-35%

Giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 74% -76%. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người đến 3.500 người/km². Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, đến năm 2030, đạt 34%-35%. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, đến năm 2030, đạt 16% đến ≥ 26%.

Mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện Kiến Thụy. Khu vực nội thành bao gồm 9 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương và Kiến Thụy. Phát triển các đô thị An Lão (thị trấn An Lão, huyện An Lão), Tiên Lãng (thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng) và Vĩnh Bảo (thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo) đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Xây dựng, phát triển các đô thị mới các đô thị loại V và một số đô thị hiện hữu lên đô thị loại IV theo định hướng phát triển đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố và Quy hoạch thành phố theo quy định.

Giai đoạn đến năm 2035 tiếp tục phát triển TP. Hải Phòng theo hướng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 76%-80%. Mật độ dân số toàn đô thị đạt: Từ 3.000 người đến 3.800 người/km². Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố đạt khoảng 34% -38%. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị, khu vực nội thành đến năm 2035 đạt 16% ≥ 26%.

Phát triển đô thị TP. Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II. Xây dựng, phát triển các đô thị mới các đô thị loại V và một số đô thị hiện hữu lên đô thị loại IV theo định hướng phát triển đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố và Quy hoạch thành phố (quy hoạch tỉnh) theo quy định.

Đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa của Hải Phòng đạt khoảng 80% - 86%

Giai đoạn đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa của Thành phố đạt khoảng 80% - 86%. Số lượng quận, danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính, quận, phường dự kiến thành lập mới, số lượng đô thị, khu vực đô thị thực hiện theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2035-2040 và các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành theo quy định.

Mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang khu vực huyện Cát Hải, thành lập quận Cát Hải (đô thị ở hải đảo). Khu vực nội thành gồm 10 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương, Kiến Thụy và Cát Hải.

Tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trở thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỉ lệ đô thị hóa Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á, giúp liên kết hệ thống các đô thị trong khu vực thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu… Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn. Tầm nhìn đến năm 2045-2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn phát triển đô thị TP. Hải Phòng theo giai đoạn từ nay đến năm 2040 là 361.002,74 tỷ đồng, trong đó dự kiến Ngân sách Trung ương 47.183,00 tỷ đồng; ngân sách địa phương 152.266,00 tỷ đồng; nguồn vốn khác 161.553,74 tỷ đồng.

Tin liên quan

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí

Sáng 14/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, chuyên gia, nhà khoa học.
Bắc Giang: Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP. Bắc Giang

Bắc Giang: Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP. Bắc Giang

HĐND tỉnh Bắc Giang vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, trong đó nhập huyện Yên Dũng với TP. Bắc Giang; đầu tư phát triển thị xã Việt Yên trở thành thành phố; tiếp tục đầu tư, phát triển huyện Hiệp Hòa, huyện Lạng Giang đạt các tiêu chí đô thị loại IV để thành lập thị xã Hiệp Hòa, thị xã Lạng Giang...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.