Ngày 17/3, tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên đã diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong quy hoạch phát triển vùng.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ghi nhận, chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua. Việc công bố quy hoạch tỉnh hôm nay là nền tảng vững chắc để Điện Biên tiếp tục phát triển dựa trên lợi thế về vị trí, địa lý và khát vọng phát triển.
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên với quy mô khoảng 9.539,92 km2, gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Mường Nhé, huyện Mường Chà, huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và huyện Nậm Pồ.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên 3 trụ cột chính và 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng.
CẦN PHÁT HUY NHỮNG LỢI THẾ SẴN CÓ VỀ DU LỊCH
Tại hội nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Điện Biên còn có rất nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Để trở thành trung tâm du lịch của tiểu vùng Tây Bắc, với hạt nhân là du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, du lịch xanh… Điện Biên cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn và đẳng cấp".
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục phát huy về thế mạnh nông nghiệp, lợi thế về thổ nhưỡng… nhưng cần quy hoạch và có sự kết nối tốt để tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có giá trị cao.
Mặt khác, Điện Biên cần chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển trồng rừng gắn với khai thác đa mục tiêu từ rừng một cách hiệu quả, phù hợp. Điện Biên có lợi thế về thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, là nguồn năng lượng tái tạo cần được quan tâm, đầu tư và khai thác.
Đặc biệt, Điện Biên phải phát huy được những lợi thế về văn hóa, về du lịch danh lam thắng cảnh tự nhiên hết sức đẹp và hoang sơ... đồng thời thu hút các nhà đầu tư lớn về du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch riêng có của Điện Biên; con đường của di sản, con đường của văn hóa...
Điện Biên cần có chính sách thu hút ý tưởng xây dựng thành phố thông minh, an toàn hài hòa với thiên nhiên. Sau quy hoạch này, Điện Biên phải tập trung vào thực hiện rất nhiều quy hoạch chi tiết, ý tưởng sáng tạo... Và để làm được điều này thì tới đây Điện Biên cần đề xuất một số cơ chế đặc thù cho Điện Biên về kết nối quốc tế...
HIỆN THỰC HÓA MỤC TIÊU, KHÁT VỌNG ĐƯA ĐIỆN BIÊN PHÁT TRIỂN
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết: "Quy hoạch này sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập đối ngoại; căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh...".
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới để thực hiện tốt quy hoạch với tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng nhằm đưa Điện Biên phát triển trở thành hiện thực…
Điện Biên lựa chọn ba khâu đột phá. Thứ nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai là hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá, động lực phát triển. Thứ ba là ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Tỉnh cũng xác định 4 trục động lực kinh tế. Đó là trục kinh tế động lực theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên – Sơn La – Hà Nội, gắn với Cảng hàng không Điện Biên, đây được xem là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng. Cùng với đó là trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 4H, kết nối với vùng phía Tây của tỉnh. Có 4 cực tăng trưởng được Điện Biên quy hoạch là: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo và thị trấn Mường Nhé.
Tại hội nghị, tỉnh Điện Biên cũng đã trao các Quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án khách sạn Mường Thanh Luxury Điện Biên; dự án trồng cây dược liệu và cây công nghiệp thuốc lá trên địa bàn huyện Điện Biên Đông và huyện Nậm Pồ; Dự án trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác trên địa bàn 4 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa; Dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn PHN Điện Biên; Dự án Siêu Thị Hoa ba Tuần Giáo.
Phương Linh