Sự ăn năn của chủ tịch Tân Hoàng Minh

Các bị cáo đã khắc phục đầy đủ toàn bộ thiệt hại vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh nên Viện Kiểm sát đề nghị toà chấp nhận yêu cầu của các bị hại về việc trả lại tiền gốc mua trái phiếu.

Rất đông người mua trái phiếu Tân Hoàng Minh tham dự ngày xét xử đầu tiên. Ảnh HA

Hầu như không có ý kiến phản đối nào từ những bị cáo đối với cáo trạng trong ba ngày diễn ra phiên toà xét xử Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng và 14 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại toà, chủ tịch Tân Hoàng Minh nhanh chóng thừa nhận các kết luận từ cáo trạng cũng như kết luận điều tra. Bị cáo 63 tuổi cho biết, là người đứng đầu doanh nghiệp nên nhận trách nhiệm để xảy ra sai phạm. Thời điểm đó, hiểu biết về lĩnh vực trái phiếu chưa đầy đủ, giờ ông biết đó là sai.

Việc sử dụng số tiền cụ thể ra sao, ông khai không xem chi tiết phương án sử dụng cuối cùng, "chỉ nghĩ đem về phục vụ việc kinh doanh, hoạt động của tập đoàn".

Trình bày tại toà, ông Dũng nói "thâm tâm tôi chưa từng có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua. Tôi chỉ nghĩ đây là huy động tiền sử dụng cho mục đích kinh doanh."

Theo ông Dũng, việc huy động trái phiếu của Tân Hoàng Minh xuất phát từ nhu cầu vốn ngày càng nhiều nên tìm cách huy động khác không phụ thuộc vào ngân hàng. Ông đã điều hành hoạt động kinh doanh hơn 30 năm, biết phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn tốt. Thời điểm trước khi Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu, các công ty khác đã phát hành trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Tân Hoàng Minh khi đó đang phải vay ngân hàng với lãi suất 13-14%, trong khi lãi phải trả từ phát thành trái phiếu chỉ 11-11,75%, ông Dũng cho biết.

Chính một số bị cáo của vụ án cũng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Trong đó, hai bị cáo Trần Hồng Sơn và Nguyễn Mạnh Hùng - cùng là Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh - đều khai bản thân cũng ký hợp đồng mua nhiều trái phiếu, đồng thời, còn thuyết phục người thân, bạn bè tham gia ký hợp đồng mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.

Bị cáo Hùng lý giải bản thân chỉ nghĩ phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn để có dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhà đầu tư có lợi. Bên cạnh đó, Tân Hoàng Minh cũng chưa bao giờ nhận đơn khiếu nại của nhà đầu tư về chậm hay không trả lãi.

Khi cơ quan điều tra vào cuộc, ông Dũng cho biết đã cố gắng khắc phục hậu quả, hiện đã chuyển toàn bộ 8.644 tỷ đồng thiệt hại của vụ án nộp về cơ quan tố tụng để trả lại các bị hại.

Những động thái trên được các bị hại ghi nhận. Trình bày nguyện vọng tại phiên tòa, một số bị hại ghi nhận sự "tự nguyện, chân thành" của Tân Hoàng Minh khi nộp lại tiền khắc phục hậu quả của vụ án. Nhiều người xin giảm nhẹ hình phạt cho cha con ông Dũng nói riêng và các bị cáo nói chung.

Một bị hại cho biết cùng hai con gái ký ba hợp đồng mua trái phiếu, tổng trị giá 500 triệu đồng. Trước khi ông Dũng bị bắt, bà đã được trả lãi nhiều lần, đúng cam kết về thời gian, và bà bày tỏ mong muốn các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để tiếp tục sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, một bị hại khác đề nghị hội đồng xét xử tuyên trả luôn số tiền cho các bị hại để họ sớm nhận lại tài sản và ổn định cuộc sống. Bà cũng mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với 15 bị cáo, tạo điều kiện để họ sớm ra ngoài xã hội.

Ngoài khắc phục toàn bộ số tiền gốc thiệt hại, Chủ tịch Tân Hoàng Minh còn đề xuất bồi thường tiền lãi cho những người mua trái phiếu. Theo đó, về lãi đến hạn của các trái phiếu đã mua trước khi ông bị bắt, ông hứa trả đầy đủ. Còn lãi sau thời điểm này, ông theo phán quyết cuối cùng của tòa.

"Về nguyên tắc vụ án hình sự, khi tôi bị bắt, các hợp đồng hợp tác kinh doanh trái phiếu này sẽ bị tuyên vô hiệu. Tiền huy động chưa đưa vào kinh doanh, chưa phát sinh lợi nhuận đã bị cơ quan chức năng thu hồi, lợi nhuận chưa có. Nên vấn đề chỉ là sự tự nguyện và thiện chí của Tân Hoàng Minh", ông Dũng trình bày.

Vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh được xác định khởi nguồn từ những khó khăn tài chính của tập đoàn từ đầu năm 2022, khi nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Từ đây, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.

Cha con ông Dũng bị cáo buộc không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh mà chỉ đạo thuộc cấp sử dụng ba công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư.

Thực hiện việc này, Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Bằng cách thức trên, ba công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu.

Ông Dũng bị cáo buộc chỉ đạo "tổ chức chạy dòng tiền khống" để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu. Dòng tiền sẽ "chạy" từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển về cho Tân Hoàng Minh để đủ tiền mua hết 90 triệu trái phiếu.

Dù các lô trái phiếu đều có thời hạn 2-5 năm, Tân Hoàng Minh sau đó chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để mua đi bán lại nhiều lần, thu về gần 14.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Theo cơ quan điều tra, số tiền còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.

Chiều nay, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội công bố bản luận tội, nhận định các bị cáo vì động cơ vụ lợi đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản của hơn 6.600 người nên đề nghị tuyên phạt các bị cáo từ 2 – 10 năm tù.

Ông Dũng bị đề nghị mức án 9 - 10 năm tù trong khi con trai Đỗ Hoàng Việt bị đề nghị 5-6 năm tù.

Viện Kiểm sát xác định các bị cáo đã khắc phục đầy đủ toàn bộ thiệt hại vụ án nên đề nghị toà chấp nhận yêu cầu của các bị hại về việc trả lại tiền gốc mua trái phiếu.

Viện Kiểm sát nhận định các hợp đồng đầu tư trái phiếu với Tân Hoàng Minh không hợp pháp vì hành vi phát hành trái phiếu được xác định là vi phạm pháp luật nên yêu cầu trả lãi đến hạn, trả lãi chậm trả của nhiều bị hại cần giải quyết theo quy định pháp luật về giao dịch vô hiệu.

Xu thế chứng khoán ngày 21/3: Giải ngân đối với những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền

Xu thế chứng khoán ngày 21/3: Giải ngân đối với những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền

Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời đối với những cổ phiếu tiếp tục cho dấu hiệu suy yếu tại vùng đỉnh hoặc đã giảm dưới khu vực hỗ trợ. Bên cạnh đó, tận dụng những phiên rung lắc tích lũy để gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, thép, chứng khoán ở vùng giá tốt...

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Lương Thị Như Trang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.