Luỹ kế cả năm 2023, mảng tài chính tiêu dùng FE Credit của Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) lên tới hơn 3.500 tỷ đồng, cao gấp 8,6 lần mức lỗ của năm 2022.
NIM suy giảm mạnh nhất trong số các ngân hàng niêm yết
Theo dữ liệu đánh giá mới đây của MBS Research, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) đạt 25,6%, cao thứ 3 toàn ngành khi chỉ sau Ngân hàng HDBank và Ngân hàng Quân đội.
Trong đó, ngân hàng mẹ vẫn là động lực chính khi dư nợ tăng 37,3% so với năm 2022; hãng chứng khoán VPBank Securities cũng có tăng trưởng dư nợ lên tới 59%, dù chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ hợp nhất. Ngược lại, dư nợ của FE Credit vẫn tiếp tục tăng trưởng âm, giảm 14,6% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Ngân hàng VPBank cũng là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) suy giảm mạnh nhất trong số các ngân hàng niêm yết với mức giảm lên đến 189 điểm cơ bản trong năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu do tỷ suất sinh lợi tài sản giảm, trong khi chi phí vốn lại gia tăng mạnh. Các mảng cho vay có lợi suất cao đối với Ngân hàng VPBank như cho vay tiêu dùng và cho vay khách hàng cá nhân đều đã tăng trưởng chậm lại trong năm ngoái.
Tuy nhiên, bước sang năm nay, việc mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm và hiện đã thấp hơn mức đáy của giai đoạn COVID-19, sẽ giúp giảm chi phí vốn của các ngân hàng nói chung, cũng như Ngân hàng VPBank nói riêng.
Bên cạnh đó, mảng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại kể từ nửa sau của năm 2024 khi các yếu tố vĩ mô cải thiện tích cực. Qua đó, thúc đẩy NIM của Ngân hàng VPBank phục hồi mạnh mẽ hơn mặt bằng chung toàn ngành, có thể đạt 6,4% (tăng 87 điểm cơ bản), theo MBS Research.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ nhóm 2 của Ngân hàng VPBank vào cuối năm 2023 lần lượt là 5% và 6,9%. So với cuối năm 2022, mặc dù nợ xấu của ngân hàng này giảm 68 điểm cơ bản nhưng nợ nhóm 2 lại tăng 145 điểm cơ bản. Điểm tích cực là nợ nhóm 2 lẫn nợ xấu đều đã giảm xuống so với mức đỉnh hồi quý 2/2023.
MBS Research hiện kỳ vọng chất lượng tài sản của Ngân hàng VPBank sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay nhờ hoạt động xử lý nợ, trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng này có thể gia tăng trở lại nếu các hoạt động cho vay bán lẻ được thúc đẩy.
Mức lỗ của FE Credit trong năm 2023 tăng gấp 8,6 lần
Đối với mảng tài chính tiêu dùng, theo MBS Research, luỹ kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng, gấp 8,6 lần so với mức lỗ của năm 2022. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của FE Credit đã có tín hiệu hồi phục trong quý 4/2023 sau các quý liên tục thua lỗ với gánh nặng trích lập dự phòng.
Trong quý cuối năm 2023, FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 208 tỷ đồng, so với mức lỗ lên tới 1.774 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế dương.
Đồng thời, chi phí trích lập dự phòng trong quý 4/2023 của FE Credit chỉ còn 2.162 tỷ đồng, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 1,7% so với quý 3/2023.
Nợ xấu và nợ nhóm 2 tại cuối năm 2023 của FE Credit lần lượt là 11,9% và 17,8%, tăng nhẹ lần lượt 90 và 10 điểm cơ bản so với quý 3/2023, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh hồi quý 2/2023.
MBS Research hiện đánh giá, với việc tăng trưởng dư nợ đã tạo đáy trong quý 3/2023, áp lực trích lập dự phòng giảm, và chất lượng tài sản được cải thiện, FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm nay. Qua đó, đóng góp đáng kể vào khả năng sinh lợi của Ngân hàng VPBank.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 7/3, thị giá cổ phiếu VPB đạt 19.450 đồng/cổ phiếu.
Duy Quang