Ngày 20/6, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại phổ biến quy định pháp luật về phòng vệ thương mại và lấy ý kiến, góp ý hồ sơ Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý Ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến một số nội dung mới tại Thông tư số 42/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời xin ý kiến đối với Hồ sơ Dự thảo (02) Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại với các cơ quan quản lý nhà nước, các luật sư, tổ chức hành nghề luật, các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian qua, các hoạt động của Cục Phòng vệ thương mại đều thực hiện dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật, cụ thể, Luật Quản lý Ngoại thương được Quốc hội ban hành năm 2017; Nghị định 10/2018/NĐ-CP; và các thông tư liên quan quy định chi tiết một số điều về phòng vệ thương mại, trong đó có điều chỉnh các hoạt động cấp miễn trừ cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng được xác định là không thuộc đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại do hàng hoá đó trong nước chưa sản xuất được.
Sau một thời gian thực thi các quy định trên, Bộ Công Thương cũng đã có những sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc xem xét và cấp miễn trừ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá.
Do đó, tại buổi hội thảo, các báo cáo viên đã trao đổi về các nội dung tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định pháp luật Việt Nam và phổ biến một số nội dung mới tại Thông tư số 42/2023/TT-BCT, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến đối với các vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, rà soát việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hệ thống phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến và đăng ký bên liên quan, cung cấp thông tin, dữ liệu về vụ việc phòng vệ thương mại đang tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, các bên liên quan tiếp cận thông tin công khai, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng đã có bài trình bày chi tiết đối với Hồ sơ Dự thảo (02) Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
Theo đó, các nhóm vấn đề lớn được điều chỉnh tại Dự thảo so với Nghị định cũ, các nhóm nội dung cơ bản cần xin ý kiến rộng rãi đã được Cục Phòng vệ thương mại phân tích cụ thể nhằm thu thập ý kiến của các bên liên quan, bảo đảm tuân thủ quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm tính hợp lý, công khai, minh bạch của Dự thảo, bảm đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội như Hiệp hội gỗ, Công ty luật, các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu … đã có ý kiến tham luận, trao đổi, góp ý đối với các văn bản đã, đang và dự kiến được ban hành cũng như việc áp dụng các quy định pháp luật phòng vệ thương mại trong thời gian tới.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng đã tiếp thu và giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của đại biểu, phân tích cả về mặt pháp lý và thực tiễn nhằm hỗ trợ các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hiểu rõ hơn các vấn đề khi xử lý vụ việc phòng vệ thương mại, hạn chế rủi ro và có sự chuẩn bị để chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.