Trong sáng nay, giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng lên sát ngưỡng 82 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 14 USD lên 2.159,4 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.167,3 USD/ounce, tăng 9,1 USD so với rạng sáng qua.
Kể từ đầu năm, Dennis Gartman đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng mô hình Triple top - 3 đỉnh (mô hình giá đảo chiều mạnh mẽ được tạo thành từ 3 đỉnh giá có độ cao tương tự, nằm gần nhau) sắp bị phá vỡ, do đó, việc giá vàng đột phá gần đây lên mức cao kỷ lục mới trên 2.170 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Kitco News, Gartman - Chủ tịch Quỹ tài trợ của Đại học Akron, nói rằng ông hy vọng đây chỉ là khởi đầu cho thị trường vàng khi các nhà đầu tư tự bảo vệ mình khỏi suy thoái kinh tế sẽ kéo giá chứng khoán xuống mạnh.
“Tôi lo lắng về một cuộc suy thoái”, ông nói. “Tôi không chắc có nhiều người khác cũng nghĩ như vậy không, nhưng chắc chắn là có”.
Vàng không chỉ bắt đầu đợt tăng giá được chờ đợi từ lâu mà Gartman còn nói rằng thứ ba có thể trở thành bước ngoặt. Tuần này, vàng đã cố gắng giữ vững vị thế của mình khi cả S&P 500 và Bitcoin đều không thể giữ được mức cao kỷ lục. Bitcoin đã chứng kiến sự biến động đáng kể. Sau khi vượt lên trên mức 69.000 USD, giá Bitcoin đã giảm mạnh, kết thúc ngày với mức giảm hơn 14%.
Trong khi đó, S&P 500 giảm 0,6%. Gartman cho biết mặc dù chỉ số thị trường chung đã phục hồi để đạt mức cao mới mọi thời đại nhưng thiệt hại đã xảy ra.
Một trong những lý do khiến Gartman cho biết ông bi quan về sức khỏe của nền kinh tế là vì nợ của Mỹ tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại Bank of America đã chỉ ra rằng gánh nặng nợ nần ở Mỹ đang tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD cứ sau 100 ngày.
“Tôi chưa bao giờ lo lắng về các khoản nợ công nhưng rõ ràng con số ngày càng vượt tầm kiểm soát, đang phát triển theo cấp số nhân”, ông nói.
Gartman cho rằng trong môi trường này, Cục Dự trữ Liên bang dù có quan điểm rất cứng rắn nhưng cuối cùng cũng sẽ phải hạ lãi suất. Cho đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn miễn cưỡng phát tín hiệu bắt đầu một chu kỳ nới lỏng mới khi cố gắng kiểm soát lạm phát.
Cũng trong sáng nay, giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng lên sát ngưỡng 82 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 79,8 triệu đồng/lượng mua vào và 81,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Tương tự, DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh lên lần lượt 79,75 triệu đồng/lượng mua vào và 81,75 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như khu vực Hà Nội.
Tỷ giá trung tâm VND/USD hôm nay 8/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh mức 24.017 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên giao dịch ngày 7/3.
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 – 25.167 VND/USD. Tỷ giá đồng USD cũng đã được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.167 VND/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá USD hiện có mức mua vào là 24.500 VND và mức bán ra là 24.870 VND, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch ngày 7/3. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400 - 25.300 VND/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD hiện được giao dịch ở mức mua vào 25.268 VND và bán ra ở mức 25.328 VND.
Bảo Linh