Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-29/6 với hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Đây là kỳ thi rất quan trọng nhằm đánh giá chất lượng học tập của các em học sinh sau 12 năm ở môi trường học phổ thông, cũng như là một trong những kết quả để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
Kỳ thi cũng là cơ hội để đánh giá năng lực học viên, chất lượng dạy và học, làm cơ sở cho việc đổi mới giáo dục, cải tiến phương pháp giáo dục và đào tạo trong nhà trường ngày một khoa học, hiệu quả hơn.
Những năm qua, việc chuẩn bị và triển khai cho các kỳ thi tốt nghiệp, trong đó có thi tốt nghiệp THPT được ngành giáo dục thực hiện với những điều chỉnh đáng ghi nhận nhằm đánh giá sát thực hơn trình độ học sinh, giảm tải trong hệ thống và trong xã hội về vật chất, công sức. Kỳ thi năm nay, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của ngành từ cấp Bộ đến các Sở Giáo dục và Đào tạo đã sớm kiểm tra, rà soát, tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, ban hành các quy định, chuẩn bị các điều kiện vật chất, con người nhằm bảo đảm cho một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.
Một trong những điều rất đáng quan tâm bên cạnh việc chọn lựa môn thi, hiệu quả ôn luyện của các thí sinh và giữ nghiêm kỷ luật tổ chức, trông thi, làm bài thi, chính là vấn đề vẫn thường được gọi ngắn gọn là “tâm lý thi cử”. Đây đang là vấn đề nổi bật trong giáo dục phổ thông, trong đời sống tinh thần thanh thiếu niên, trong đời sống xã hội hiện đại. Có thể nhận ra sự biến chuyển đa dạng, nhiều khi phức tạp trong tâm lý, thái độ, quan niệm của thanh thiếu niên trước, trong và sau những mùa thi. Ngoài sự lạc quan, tự tin, không khỏi xuất hiện trạng thái lo lắng, căng thẳng và những mệt mỏi do áp lực học, ôn luyện ngày càng nặng hơn. Hệ quả này đến từ rất nhiều lý do khác nhau của đời sống hiện đại nhiều xáo trộn, phức tạp, từ lối sống của trẻ em, nếp sinh hoạt gia đình, từ tâm sinh lý lứa tuổi thế hệ thanh thiếu niên mới. Bởi thế mà trong thời gian qua, dư luận không ít lần nao lòng, thậm chí đau lòng khi chứng kiến hình ảnh những em học sinh mất bình tĩnh, đau buồn, “xuống tinh thần” về kết quả thi cử của mình; những vụ việc thương tâm khi một số em lựa chọn cách giải quyết tiêu cực trước áp lực học tập, áp lực gia đình, cuộc sống. Nghiên cứu của các chuyên gia cũng chỉ ra những nhận định về không ít điều đáng suy nghĩ, đáng lo lắng về tâm lý, tinh thần, thái độ và những biểu hiện cá tính của thế hệ mới trong đời sống, học tập, thi cử.
Bởi thế mà với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nói riêng, cũng như các kỳ thi tốt nghiệp các cấp nói chung, vấn đề ổn định tâm lý, bảo đảm sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và trạng thái cân bằng của thí sinh rất cần được theo dõi, chăm lo, săn sóc kịp thời. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các bậc phụ huynh. Tiếp đó là các thầy cô giáo, nhà trường; các đơn vị, hội đồng nơi triển khai hoạt động thi cử. Sự quan sát, nhạy cảm cần thiết, chút tinh tế trong ứng xử, những cách tạo dựng không khí thoải mái, hài hòa bên cạnh các quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt của giờ giấc, giám sát, của kỷ luật phòng thi. Và rộng hơn, sự vun đắp cho một tâm lý vững vàng, lạc quan, không sợ vấp ngã khi đối diện những thử thách. Như thế để có được những cuộc “vượt vũ môn” cho các em một cách chất lượng và khỏe mạnh về mọi mặt.
QUANG HƯNG