Khẩn trương khôi phục đời sống sau bão lũ

Chạy đua với thời gian để khôi phục cuộc sống, đòi hỏi những chính sách kịp thời, những giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để xác định những giải pháp cụ thể, cần phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân và đối tượng bị ảnh hưởng.

1/Theo đó, với khu vực miền núi phía bắc đang chịu hậu quả nghiêm trọng thì phải có các giải pháp khẩn cấp. “Trước hết, phải đánh giá nhanh mức độ thiệt hại về nhà, những ngôi nhà nào có mức độ thiệt hại nhỏ thì khẩn trương khắc phục để sớm ổn định cho các hộ dân. Với những nhà bị sập đổ hoàn toàn hoặc những khu vực thiệt hại lớn như cả làng, bản bị lũ cuốn trôi thì phải tái thiết, xây dựng lại. Cụ thể, với những giải pháp về mặt công trình thì phải đánh giá đầy đủ để nơi ở mới phải bảo đảm an toàn về thiên tai và phát triển bền vững về sinh kế”, ông Hải đề xuất.

Theo ông Hải, với phương án xây mới những khu vực tái định cư. Trước mắt, cần có những chính sách hỗ trợ ngay cho người dân để tái định cư tạm thời, có thể ở nhà người thân, khu nhà sinh hoạt cộng đồng. Sau đó, việc quy hoạch nơi ở mới để làm sao ổn định lâu dài, phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

2/Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có khoảng 200 nghìn ha hoa màu bị ngập, 22 ha cây ăn quả bị hư hại và 1,5 triệu gia cầm bị chết trong bão số 3. Giải pháp cấp bách đươc đặt ra với ngành nông nghiệp lúc này là phải phân loại ra các loại cây trồng. Ông Hải cũng cho biết, những cây trồng bị ngập do lũ đã bị ngấm nước lâu ngày, không thể phục hồi được phải có ngay những giải pháp về chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi sang giống cây trồng khác. Thí dụ, đến thời điểm hiện nay, nếu những khu vực lúa bị ngâm nước quá 5 ngày là không thể cứu hoàn toàn và phải chuyển ngay sang cây trồng khác và phục vụ vụ đông-xuân, cần rút ngắn giai đoạn để phục vụ sản xuất. Còn đối với những diện tích có thể phục hồi được thì bộ đã chỉ đạo các cục chuyên ngành, hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để phục hồi nhanh sản xuất.

Bên cạnh đó, đối với vùng ngập lũ, khu vực chăn nuôi không những chịu thiệt hại lớn mà còn đang ảnh hưởng đến môi trường, dịch bệnh dễ phát sinh trong những con giống còn lại. “Do vậy, các giải pháp tổng thể ở đây là phải huy động công sức để bảo đảm vệ sinh đối với những khu vực chuồng trại vẫn còn con giống tốt. Thứ hai, chúng ta sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực về vốn, nhu yếu phẩm về thức ăn để chúng ta phục hồi tái đàn nhanh nhất”, ông Hải cho biết.

Thực hiện chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không để người dân bị đói khát, không có nhà ở, tất cả các cấp ủy chính quyền địa phương, các bộ, ngành đã vào cuộc rất khẩn trương, quyết liệt để khắc phục hậu quả bão số 3. Theo thống kê, chúng ta đã xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia 250 tấn gạo và hỗ trợ 250 tỷ đồng tới các địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, cũng như Chính phủ, các tổ chức đồng bào, cá nhân đã quyên góp hơn 430 tỷ đồng gửi về MTTQ để có thể chuyển tới tay đồng bào. Thông qua đầu mối Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ hơn 5.600 tỷ đồng. Đặc biệt nhu yếu phẩm được chuyển đến người dân ảnh hưởng bão lũ bảo đảm nhanh, kịp thời và an toàn.

Theo Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), về xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh ở các vùng ngập lụt, ngay sau khi nước rút, các địa phương đã khẩn trương vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử trùng theo chỉ dẫn của ngành y tế. Đối với khu vực chăn nuôi, sản xuất có động vật chết thực hiện tiêu độc khử trùng ngay để tránh phát sinh nguồn bệnh. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị huy động nguồn lực để nếu phát sinh ổ dịch thì phải dập dịch kịp thời, tránh lây lan diện rộng.

3/Trong cơn bão số 3, đã có nhiều công trình, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố ven biển như tại Quảng Ninh hay Hải Phòng bị phá hủy nặng nề. Để thích ứng dần với biến đổi khí hậu, về kiến trúc và xây dựng cần có những thay đổi phù hợp. Tính đến thời điểm hiện tại, cơn bão số 3 khiến 130 nghìn người dân phải sơ tán, hơn 200 nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng. Đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, vấn đề nhà ở đang được đặt ra cấp thiết.

KTS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia cao cấp Công ty Net Zero Việt Nam cho rằng, do chúng ta chưa gặp các cơn bão lớn như bão số 3 nên những vật liệu xây dựng cũng như những liên kết làm cho công trình ổn định trước bão, chịu được sức gió lớn chưa được tính đến. Chính vì thế, buộc phải tăng tiêu chuẩn chịu đựng của công trình trước bão. “Một trong những kinh nghiệm sau bão là cơ quan xây dựng cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho những công trình nhà nước, công trình công cộng và cả nhà dân để làm sao những mái nhà trước cơn gió thổi lớn, không bị bung ra khỏi kết cấu chịu đựng”, ông Phương đề xuất.

Thực tế, đã có nhiều người đặt những vật nặng lên trên mái nhà để phòng chống bão, theo KTS Nguyễn Hoàng Phương, điều này nguy hiểm rất nhiều vì khi mái nhà bị tốc còn kéo theo những vật nặng kia bay theo. Việc gia cố kết cấu nhất thiết phải bên trong nhà, phải neo bằng cáp hoặc những vật nặng bên trong.

Tin liên quan

Căn bệnh nguy hiểm từ châu Phi

Căn bệnh nguy hiểm từ châu Phi

Ngày 15/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) đang diễn ra ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đây là mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế và giới chức thế giới đang nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát căn bệnh này.
Đồng loạt tiêm vaccine sởi

Đồng loạt tiêm vaccine sởi

Sau khi công bố dịch trên toàn thành phố, hơn 310 điểm tiêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt tiến hành tiêm vaccine sởi cho trẻ nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 95%.
Tránh bị lừa khi chuyển đổi điện thoại

Tránh bị lừa khi chuyển đổi điện thoại

Lợi dụng việc sắp tắt sóng dịch vụ 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện không ít người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người lớn tuổi ở nông thôn bị lừa mua phải điện thoại mạng 2G “đội lốt” 4G. Theo Cục An toàn thông tin, người dân nên mua máy tại các cửa hàng bán lẻ uy tín và làm theo những cách sau để kiểm tra điện thoại có chức năng hỗ trợ mạng 4G hay không.
Sàn diễn cho tài năng thời trang mới

Sàn diễn cho tài năng thời trang mới

Sau thành công và danh tiếng của “Chuyến viễn du thời trang” (Fashion Voyage), nhà sáng lập, đạo diễn Long Kan (trong ảnh), tiếp tục công bố chương trình thời trang mới có tên gọi Vietnam Next-Gen Fashion dành cho các nhà thiết kế (NTK) trẻ nhằm giúp họ phát triển thương hiệu cá nhân, đồng thời quảng bá sản phẩm đến gần với giới mộ điệu thời trang.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.