Nguy hiểm vật thể rơi từ tầng cao chung cư

Những tòa chung cư cao tầng đang trở thành giải pháp nhà ở phổ biến cho cư dân thành thị. Thế nhưng, đằng sau sự tiện nghi và hiện đại mà chung cư mang lại, có một mối hiểm họa tiềm ẩn: những vật thể rơi từ tầng cao. Hành vi thiếu ý thức của một số người dân đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, đe dọa đến tính mạng người dân chung quanh.

1/Cách đây không lâu, tại khu chung cư Gelexia Riverside Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), bé gái Đ.H.A đang vui chơi ở dưới sảnh bất ngờ bị vật thể lạ cứng rơi trúng đầu. Cú va đập mạnh khiến cháu bé chảy máu và sau đó xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn. Kết quả chụp CT cho thấy hộp sọ của cháu bé bị lún sâu tới 7 mm.

Thủ phạm không phải ai khác mà chính là những người hàng xóm. Theo phản ánh của người dân, đây không phải lần đầu tiên có một “vật thể lạ” rơi xuống sân, nhẹ thì là tàn thuốc, vài vụn rác nhỏ, nặng thì... ném đồ. Dù vô tình hay cố ý thì hành động đó cũng gây nguy hiểm cho người khác.

“Đây không phải lần đầu, lần trước còn có cả cái thớt rơi xuống. Thử hỏi nếu đó là con dao, mảnh sứ, mảnh sành mà rơi trúng ai đó thì sẽ như thế nào?”, anh Đặng Xuân Trịnh (phụ huynh cháu bé) bức xúc.

Chị Lê Thị Nhâm, một cư dân khác tại Gelexia Riverside, cũng không giấu nổi lo lắng: “Kể từ sau vụ việc của cháu Đ.H.A, tôi không dám để con chơi dưới sân nữa. Khu vui chơi vắng hẳn trẻ em vì các phụ huynh đều sợ hãi”.

Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm mà còn tạo ra không khí lo lắng và bất an cho cộng đồng. Hành động thiếu ý thức này vô tình đã biến những khu vui chơi, lối đi, vốn dĩ là nơi để lưu thông, trẻ em và cư dân thư giãn lại trở thành khu vực nguy hiểm tiềm tàng.

2/Hành động ném đồ từ tầng cao không chỉ gây ra những hậu quả đau lòng cho nạn nhân và gia đình mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về ý thức của cư dân, trách nhiệm ban quản lý tòa nhà và các cơ quan chức năng. Dẫu biết việc giữ gìn trật tự và an toàn tại các chung cư không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, nhưng rõ ràng, ý thức của cư dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Anh Đặng Xuân Trịnh (phụ huynh cháu Đ.H.A) mặc dù cảm thấy rất xót thương con gái nhưng anh cho biết gia đình không cần khoản bồi thường nào, thay vào đó, muốn lên án hành động thiếu ý thức này của một bộ phận người dân và mong muốn có những biện pháp thiết thực, cụ thể từ phía ban quản lý chung cư để ngăn những trường hợp đáng tiếc hơn sẽ xảy ra. Việc ném đồ từ tầng cao, dù cố tình hay vô ý, đều là hành động vô trách nhiệm.

Cuộc sống chung cư có thể coi là một xã hội thu nhỏ, nơi hàng trăm con người từ khắp nơi cùng sinh sống với những cá tính, lối sống khác nhau trong một không gian hạn hẹp. Mỗi người đều mang theo những câu chuyện, những thói quen riêng, tạo nên một cộng đồng vừa đa dạng, vừa phức tạp. Chính vì vậy, việc giữ gìn sự hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau là điều vô cùng quan trọng. Như chị Nguyễn Hồng Vân, một cư dân của chung cư Green Bay (Mễ Trì) chia sẻ: “Ở chung cư, tự do cá nhân luôn bị giới hạn bởi tự do của người khác. Chúng ta phải luôn ý thức được rằng, hành động của mình có thể ảnh hưởng đến những người chung quanh”. Những hành động “vô tư” ném đồ từ tầng cao có thể được lý giải do thói quen sống tùy tiện, kém văn minh và không có sự hiểu biết, gây ảnh hưởng đến cả một tập thể chung cư.

Hiện nay, để ngăn chặn tình trạng vật thể lạ rơi từ trên cao, nhiều cư dân đã đề xuất lắp đặt lưới bảo vệ. Tuy nhiên, giải pháp này lại vướng phải một bài toán nan giải đó làm sao để vừa bảo đảm an toàn cho mọi người, vừa giữ gìn vẻ đẹp kiến trúc của tòa nhà. Việc lắp đặt lưới bảo vệ có thể che chắn tầm nhìn, làm mất đi sự thông thoáng và thẩm mỹ. Trong khi đó, việc xây dựng các rào chắn cao hơn lại vướng mắc vào các quy định về xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Do đó, việc mỗi người tự nâng cao ý thức là giải pháp khả thi và lâu dài. Một cộng đồng văn minh không chỉ được xây dựng dựa trên những tiện ích hiện đại, mà còn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Việc mỗi người cư xử có trách nhiệm không chỉ giúp giữ gìn sự an toàn mà còn tạo ra một môi trường sống lành mạnh, văn minh cho tất cả cư dân.

Khẩn trương khôi phục đời sống sau bão lũ

Khẩn trương khôi phục đời sống sau bão lũ

Chạy đua với thời gian để khôi phục cuộc sống, đòi hỏi những chính sách kịp thời, những giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để xác định những giải pháp cụ thể, cần phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân và đối tượng bị ảnh hưởng.
Căn bệnh nguy hiểm từ châu Phi

Căn bệnh nguy hiểm từ châu Phi

Ngày 15/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) đang diễn ra ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đây là mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế và giới chức thế giới đang nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát căn bệnh này.
Đồng loạt tiêm vaccine sởi

Đồng loạt tiêm vaccine sởi

Sau khi công bố dịch trên toàn thành phố, hơn 310 điểm tiêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt tiến hành tiêm vaccine sởi cho trẻ nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 95%.
Tránh bị lừa khi chuyển đổi điện thoại

Tránh bị lừa khi chuyển đổi điện thoại

Lợi dụng việc sắp tắt sóng dịch vụ 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện không ít người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người lớn tuổi ở nông thôn bị lừa mua phải điện thoại mạng 2G “đội lốt” 4G. Theo Cục An toàn thông tin, người dân nên mua máy tại các cửa hàng bán lẻ uy tín và làm theo những cách sau để kiểm tra điện thoại có chức năng hỗ trợ mạng 4G hay không.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.