Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, kết nối trong nước và ngoài nước mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả; trong đó có việc tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy mở rộng các thị trường.
Chiều tối ngày 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế-xã hội. Điều này thể hiện trên 3 nội dung gồm: (1) đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng; (2) góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới; (3) tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong đó, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... cùng các đoàn hàng trăm doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...
Cùng với đó, tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ; nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng chưa có nhiều kết quả mang tính đột phá...
Các đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự; nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội, tập trung vào các xu thế phát triển mới trên thế giới và trong khu vực; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin hơn về nhu cầu, tiềm năng hợp tác, các chính sách pháp luật liên quan kinh tế của các nước… nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực, hiệu quả hơn.
Nhìn lại những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản đề ra.
Các cân đối lớn như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm và có thặng dư; xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng, nhất là công tác ngoại giao kinh tế.
Tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy mở rộng các thị trường
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho cả năm 2024 (từ 6,5-7%), đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Cùng với đó, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng, làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…), lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy việc mở rộng các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, sản phẩm Halal; theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi du lịch, nghiên cứu chính sách visa phù hợp để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách; tận dụng những cơ hội có thể để xuất khẩu lao động ra các nước.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải bám sát yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương trong nước, làm tốt việc kết nối kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các địa phương của các nước với các địa phương Việt Nam.
Các cơ quan đại diện cần thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, du lịch.
Để góp phần thúc đẩy động lực xuất khẩu, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện cần đẩy mạnh quảng bá ra thế giới về các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh; cũng như tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài.