Đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2023 với nhiều thời cơ, vận hội mới.
Năm 2022 là năm đầu tiên toàn ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 50 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng lần đầu tiên xuất khẩu tới con số hơn 1 tỷ USD. Thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 8,5 tỷ USD, cao hơn 30% so với năm 2021.
Ngành thủy sản đã đạt mục tiêu được đặt ra cách đây 3 năm, với kim ngạch xuất khẩu gần 11 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, cá ngừ lần đầu vượt mốc xuất khẩu 1 tỷ USD, xuất khẩu tôm, cá tra cũng lập đỉnh mới.
Những con số trên càng trở nên ấn tượng trong bối cảnh chung của năm 2022, khi ngành nông nghiệp phải đối diện với nhiều thách thức do dư chấn từ Covid-19 cùng những bất ổn địa chính trị, như tình trạng tắc biên mậu với Trung Quốc, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đơn hàng bị cắt giảm…
Không chỉ thành công về con số, năm 2022 cũng đánh dấu mốc cho nhiều loại nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, trong đó có hàng loạt loại trái cây như chanh leo, chuối, sầu riêng… được mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hay lô hàng 40 tấn bưởi da xanh mang thương hiệu Bến Tre xuất khẩu sang Mỹ.
Lô bưởi da xanh đầu tiên được "cấp visa" đi Mỹ. Ảnh: NLĐ
Tiền đề cho bứt phá 2023
Ngay từ những ngày đầu năm, tin vui đã đến với xuất khẩu nông nghiệp, là sự kiện Trung Quốc tái mở cửa sau 3 năm thực hiện chính sách “zero Covid-19”, mở rộng đường cho nông sản xuất sang thị trường láng giềng tỷ dân này. Việc Trung Quốc mở cửa cũng được kỳ vọng giải tỏa phần nào áp lực lạm phát, từ đó kích thích nhu cầu, giảm giá nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp.
Bên cạnh tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế, nội lực ngành nông nghiệp đang được cải thiện đáng kể, cũng sẽ tạo ra tiền đề quan trọng cho năm 2023 thắng lớn. Đó là những chính sách, hành lang pháp lý mở rộng không gian phát triển cho ngành nông nghiệp.
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt và ban hành Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung quan trọng hướng đến canh tác nông nghiệp không chỉ đạt năng suất tốt mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo các yếu tố bền vững.
4 quy hoạch ngành nông nghiệp, bao gồm Quy hoạch lâm nghiệp; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi đã được hoàn thiện trong năm 2022, hoạch định rõ hơn hướng đi cho nông nghiệp Việt.
Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 cũng chính thức được phê duyệt vào năm 2022. Quy hoạch cụ thể hóa quan điểm “thuận thiên” tại Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thông qua việc chia miền Tây thành 3 tiểu vùng sinh thái, phát triển các loại nông sản phù hợp với điều kiện riêng của từng tiểu vùng.
Trong bối cảnh hiện nay, canh tác nông nghiệp, bên cạnh yêu cầu cho ra sản phẩm ngon, sạch, còn phải đáp ứng cả những tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp Việt Nam, với mục tiêu giảm gần 130 triệu tấn khí thải carbon, hứa hẹn sẽ tạo ra dòng nông sản xanh, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường tiên tiến.
Một yếu tố khác giúp nông nghiệp Việt Nam bứt phá là xu thế nông nghiệp đa giá trị đang được lan tỏa mạnh mẽ. Ở nhiều nơi trên khắp cả nước, bà con nông dân, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp và nhà khoa học, đã tích cực phát triển thêm những giá trị gia tăng từ ngành nông nghiệp như du lịch nông nghiệp sinh thái, xây dựng thương hiệu đặc sản hay tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo triết lý kinh tế tuần hoàn.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu cán mốc 54 tỷ USD, đồng thời tiếp tục đi sâu vào gia tăng chất lượng, đảm bảo mục tiêu bền vững cả về môi trường và xã hội. Với những tiền đề nói trên, hứa hẹn 2023 sẽ tiếp tục là một năm thắng lớn.