Nhà sáng lập Evergrande đối mặt với cáo buộc lừa đảo 78 tỷ USD

Công ty bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc và nhà sáng lập Hui Ka Yan đã bị cáo buộc lừa đảo, thổi phồng doanh thu thêm 78 tỷ USD trong hai năm trước khi công ty vỡ nợ…

Sau khi cơ quan quản lý thị trường tài chính Trung Quốc (CSRC) đưa ra cáo buộc đối với Evergrande Group về tội thổi phồng kết quả doanh thu, gian lận chứng khoán và không công bố thông tin kịp thời, nhà sáng lập Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) sẽ bị cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời và bị phạt 47 triệu nhân dân tệ (6,53 triệu USD) trong khi đơn vị kinh doanh ở đại lục Hengda Real Estate sẽ chịu mức phạt lên đến 583,5 triệu USD.

Trích dẫn hồ sơ mà CSRC công bố, Hengda Real Estate đã thổi phồng doanh thu thêm gấp đôi, tương đương 213,99 tỷ nhân dân tệ (29,7 tỷ USD) vào năm 2019. Đến năm 2020, doanh thu lại được thổi phồng thêm 350 tỷ nhân dân tệ (48,6 tỷ USD), tương đương 78,5% tổng doanh thu. Và nhà phát triển bất động sản này đã phát hành trái phiếu dựa trên những tuyên bố sai lệch đó.

Ngoài ra, công ty không công bố kịp thời kết quả kinh doanh hàng năm và trung hạn, kèm theo đó là vô số vụ kiện tụng và các khoản nợ tồn đọng.

Ông Hui Ka Yan là người trực tiếp chịu trách nhiệm vào thời điểm đó, vì vậy hành vi sai trái này đặc biệt nghiêm trọng, trích dẫn quyết định của CSRC cho thấy. Các giám đốc điều hành khác nằm trong diện bị trừng phạt bao gồm cựu phó chủ tịch Hengda Real Estate và cựu giám đốc tài chính của công ty.

Vào tháng 9 năm ngoái, đại diện Evergrande Group cho biết nhà sáng lập công ty đang bị cảnh sát điều tra vì nghi ngờ phạm tội. Ông Hui, từng là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, cũng có nguy cơ bị cấm hoạt động vĩnh viễn trên thị trường tài chính Trung Quốc.

Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi CSRC tuyên bố sẽ trấn áp gian lận chứng khoán và bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ bằng “răng và sừng”.

Hình phạt thể hiện thách thức mới nhất đối với Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Evergrande đã vỡ nợ ở nước ngoài vào cuối năm 2021 và bị Tòa án Tối cao Hồng Kông ra lệnh thanh lý vào tháng 1/2024.

Các nhà thanh lý đã được chỉ định để xem xét tình hình tài chính tổng thể của Evergrande và xác định các chiến lược tái cơ cấu tiềm năng. Điều đó có thể bao gồm việc tịch thu và bán bớt tài sản để số tiền thu được có thể sử dụng để trả các khoản nợ tồn đọng.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể không muốn tạm dừng hoạt động phát triển bất động sản ở Trung Quốc, nơi nhiều chủ nhà tương lai đang chờ đợi những ngôi nhà mà họ đã trả tiền mua.

Các vấn đề liên tiếp xảy ra đang có tác động lớn vào lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, ngành này cũng đã phải đối mặt với một đợt siết chặt tài chính lớn kể từ năm 2021, khi các nhà chức trách đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế số tiền mà các nhà phát triển bất động sản lớn có thể vay.

Kể từ đó, không chỉ một mà nhiều công ty bất động sản lớn của Trung Quốc đã vỡ nợ.

Mới đây nhất, dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đã giảm 9% trong tháng 1 và tháng 2/2024 so với một năm trước. Số lượng công trình xây dựng mới khởi công cũng giảm 30%, là mức giảm tồi tệ nhất trong hơn một năm qua.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Lương Thị Như Trang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.