Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiềm chế giá nội địa đã vô tình đẩy giá gạo thế giới lên cao...
Ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi các tiêu chuẩn về xuất khẩu gạo, cấm bán ra nước ngoài một loại gạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu gạo của nước này. Cụ thể, trong một thông báo của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ, chính sách xuất khẩu liên quan đến gạo trắng không phải gạo basmati dù ở hình thức nào (gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hoặc tráng men) đều được chuyển từ “tự do” thành “cấm”. Chính sách này có hiệu lực ngay lập tức.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn sẽ cho phép các lô hàng gạo này được xuất khẩu trong một số điều kiện cho phép như trong trường hợp việc bốc dỡ gạo này lên tàu đã bắt đầu trước thông báo cấm xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, việc vận chuyển sẽ được phép trên cơ sở được Chính phủ Ấn Độ cấp phép cho các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên yêu cầu của các chính phủ.
Trước đó, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trên toàn quốc. Trong khi, Ấn Độ chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và cũng là nhà sản xuất lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Điều này đã khiến giá gạo liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Thậm chí, các chuyên gia còn cho biết, việc chỉ nới một phần lệnh cấm vẫn tiếp tục đẩy giá gạo tiếp tục leo dốc. Bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ có thể làm gia tăng tình trạng thiếu thốn thực phẩm cho các quốc gia phụ thuộc vào gạo nhập khẩu, công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence đã dự đoán trước khi Ấn Độ ra lệnh cấm. Các điểm đến hàng đầu, phụ thuộc vào nhập khẩu gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ.
Ông Eve Barre, nhà kinh tế ASEAN của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface nói rằng, Bangladesh và Nepal sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm này, vì cả hai quốc gia này đều nhập khẩu số lượng gạo lớn từ Ấn Độ.
Cùng với việc giảm nguồn cung gạo toàn cầu, những phản ứng hoảng loạn và đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ gia tăng, đẩy giá gạo lên cao hơn nữa", ông Eve Barre nói.
Thậm chí, nhiều quan điểm bảo thủ cho rằng, giá gạo còn có thể lên mức cao nhất một thập kỷ. Chuyên gia phân tích hàng đầu của Rabobank, Oscar Tjakra là một điển hình như vậy. Vị này dự đoán việc nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ vẫn có thể khiến giá gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng. Giá gạo sấy có thể vọt lên mức 18 USD mỗi trăm pounds.
Nói thêm về nguyên nhân tăng giá của gạo, một phần là do sự thắt chặt nguồn cung ngũ cốc kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Giá lúa mì tăng lên trong tuần này sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận đã cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng thực phẩm toàn cầu bằng việc cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu lúa mì.
"Những quốc gia nhập khẩu bị ảnh hưởng có thể chuyển sang nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên giá cả sẽ không rẻ", nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng DBS Radhika Rao nói.