Trung Quốc thắt chặt nguồn cung đất hiếm, “gây khó dễ” cho thị trường toàn cầu

Trung Quốc mới đây đã ban hành các quy định mới về đất hiếm và siết chặt kiểm soát xuất khẩu với mục tiêu đảm bảo nguồn cung nội địa…

Trung Quốc vừa công bố một loạt quy định mới nhằm mục tiêu bảo vệ nguồn cung đất hiếm trong nước và kiểm soát xuất khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

Các quy định này đặt ra thêm quy tắc về khai thác, tinh luyện và thương mại đất hiếm - những vật liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất nhiều mặt hàng, từ nam châm trong xe điện đến thiết bị điện tử tiêu dùng.

Theo đó, trong một tuyên bố được đưa ra bởi nội các Trung Quốc, tài nguyên đất hiếm là thuộc sở hữu nhà nước và chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, tinh luyện và thương mại của nhóm 17 khoáng chất quan trọng này.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất trên thế giới, chiếm gần 90% sản lượng tinh chế toàn cầu.

Đất hiếm đóng vai trò then chốt trong sản xuất động cơ điện cho xe EV và thiết bị điện tử, cũng như tuabin gió; vì vậy, nhu cầu toàn cầu đối với vật liệu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Chính vì vai trò quan trọng của đất hiếm trong lĩnh vực công nghiệp, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành một điều luật có hiệu lực từ tháng 5/2024, đặt ra mục tiêu đầy tham vọng để sản xuất nội địa các khoáng chất thiết yếu cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh vào năm 2030, trong đó đất hiếm là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu của EU đối với đất hiếm dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần trong thập kỷ tới và gấp 7 lần vào năm 2050.

Các quy định mới của Trung Quốc, có hiệu lực vào ngày 1/10/2024, cũng sẽ thiết lập một hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm đất hiếm.

Các doanh nghiệp khai thác, tinh luyện, tách chiết và xuất khẩu đất hiếm sẽ phải xây dựng một hệ thống theo dõi dòng chảy sản phẩm, ghi chép trung thực và nhập dữ liệu vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của chính phủ.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát và thắt chặt xuất khẩu đất hiếm. Năm ngoái, quốc gia tỷ dân đã áp dụng các biện pháp tương tự với germanium và gali - hai nguyên tố quan trọng trong sản xuất chip - cũng với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.

Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm và công nghệ chiết tách đất hiếm.

Những động thái này làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc có thể hạn chế nguồn cung đất hiếm để gây sức ép với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Cùng thời điểm Trung Quốc ban hành quy định mới về đất hiếm, EU cũng chuẩn bị áp thuế tạm thời lên xe điện Trung Quốc kể từ ngày 4/7. EU cho rằng Trung Quốc đang trợ cấp không công bằng cho ngành sản xuất xe điện nội địa, gây thiệt hại cho khối 27 nước thành viên.

Tuy nhiên, cả hai bên đều bày tỏ mong muốn đàm phán về vấn đề thuế quan này.

Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)

Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)

Bộ Công Thương xác định, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp, vì vậy, Bộ đã tăng cường trao đổi và hợp tác với tỉnh Sơn Đông thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và hỗ trợ doanh nghiệp…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.